Nghiên cứu mới được công bố trên BMJ Nutrition, Prevention & Health này dựa trên một bảng khảo sát được tiến hành trên 2.884 cá nhân đến từ 6 quốc gia châu Âu. Trong số đó, 568 người thừa nhận rằng mình đã nhiễm virus trong năm vừa qua: 138 người nói rằng họ có các triệu chứng bệnh từ trung bình đến nặng, 430 người còn lại chịu tác động của virus lên các bệnh về hô hấp.
Những người tham gia khảo sát có 10 chế độ ăn khác nhau: chế độ ăn thực phẩm toàn phần, chế độ ăn keto, chế độ ăn Địa Trung Hải, chế độ ăn Paleo, chế độ ăn ít chất béo, chế độ ăn ít tinh bột và chế độ ăn nhiều đạm – đều bao gồm thịt đỏ và thịt trắng, còn chế độ ăn thực vật, ăn chay và chế độ ăn lấy cá làm nguồn đạm chính thì loại bỏ thịt đỏ và thịt trắng.
Trong số những người bị nhiễm bệnh, chỉ có 41 người nói rằng họ theo chế độ ăn thực vật, 46 người lấy cá làm nguồn đạm chính. Còn lại, 481 người nói rằng họ đều đang áp dụng chế độ ăn có bao gồm thịt gia súc và gia cầm.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng có một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu thực phẩm dinh dưỡng có thể được cân nhắc làm biện pháp phòng ngừa COVID”, các tác giả chỉ ra trong thông cáo báo chí của họ.
Hiện chưa rõ vì sao những người ăn hải sản và thực vật lại có khả năng chống chọi cao hơn trong thời kỳ đại dịch, vì nghiên cứu này chỉ mới chỉ ra mối liên hệ giữa các nhóm người bệnh và COVID-19.
Phó Chủ tịch Tổ chức Dinh dưỡng NNEdPro và Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Vương quốc Anh – Shane McAuliffe – cho biết trong một tuyên bố: “Cần thận trọng trong việc giải thích các kết quả nghiên cứu.” Theo McAuliffe, nghiên cứu này là một nghiên cứu mở đường cho các nghiên cứu trong tương lai để cho ra kết quả tốt hơn khi xem xét mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và nguy cơ mắc COVID-19.