Đối với nhiều người, đeo khẩu trang là phép lịch sự thông thường hoặc một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hợp lý. Đối với những người khác, đó là một sự áp đặt, một nỗi khó chịu ngày qua ngày.
Vương quốc Anh đang trải qua những ngày căng thẳng và gay gắt khi đầu tuần sau, chính phủ của họ sẽ dỡ bỏ yêu cầu pháp lý về việc đeo khẩu trang ở hầu hết các không gian trong nhà, bao gồm các cửa hàng, xe lửa, xe buýt và tàu điện ngầm.
Theo đó, việc đeo khẩu trang ở nhiều nơi sẽ không còn là một yêu cầu bắt buộc, mà chỉ là một sự lựa chọn. Hiện tại, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều từ người dân Anh.
“Tôi rất vui”, chủ một quán cà phê ở London – Hatice Kucuk nói. “Tôi không nghĩ rằng khẩu trang có thể hữu ích gì nhiều.”
Trái lại, Lucy Heath, một nhà làm phim, cho biết cô ấy muốn việc đeo khẩu trang là một điều bắt buộc trên tàu điện ngầm và trong siêu thị. “Tôi nghĩ những người dễ bị tổn thương sẽ cảm thấy rằng thật mạo hiểm nếu đi ra ngoài.”
Việc chấm dứt nhiều hạn chế về đại dịch vào tuần tới – từng được báo chí Anh gọi là “ngày tự do” – sẽ diễn ra trong bối cảnh Anh phải đối mặt với số ca nhiễm và tử vong do virus corona tăng cao, mặc dù chương trình tiêm chủng đã hoàn thành trên 2/3 người trưởng thành.
Hôm qua (16/7), Anh đã báo cáo hơn 51.000 ca nhiễm mới, con số nhiễm trong ngày này cao nhất kể từ tháng Giêng. Trong bối cảnh đó, những tuyên bố về quyền tự do của các chính trị gia Anh trở nên thận trọng hơn.
“Đại dịch này vẫn chưa kết thúc”, Thủ tướng Boris Johnson nói. “Chúng ta không thể phục hồi ngay lập tức về cuộc sống bình thường như trước COVID-19 vào thứ Hai.”
Như vậy, mặc dù không còn luật bắt buộc đeo mặt nạ, chính phủ cho biết họ “mong đợi và khuyến nghị” công nhân và khách hàng đeo khẩu trang trong những không gian kín, đông đúc như cửa hàng.
Thị trưởng của London cho biết khẩu trang vẫn sẽ tiếp tục được yêu cầu trên hệ thống giao thông công cộng của thành phố, và Dịch vụ Y tế quốc gia sẽ yêu cầu đeo khẩu trang trong các bệnh viện. Trong khi các quy định đang thay đổi ở Anh, khẩu trang sẽ vẫn là thứ bắt buộc ở Scotland và xứ Wales – những nơi có quy định về sức khỏe của riêng họ.