Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số người bệnh Parkinson và người nhà chưa hiểu rõ các lưu ý để ứng phó với dịch bệnh một cách hiệu quả, dẫn đến các sai lầm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Khuyến cáo về dinh dưỡng và luyện tập
Parkinson là bệnh thoái hóa tế bào sản xuất dopamine của não. Vì thế người mắc bệnh Parkinson gặp nhiều vấn đề trong việc điều khiển cơ thể và kiểm soát hành vi của bản thân. Các biểu hiện thường thấy ở người bệnh Parkinson chia thành 2 nhóm triệu chứng liên quan đến vận động và ngoài vận động. Điển hình nhất là biểu hiện run khi nghỉ và cử động chậm xảy ra ở bất kỳ vùng nào của cơ thể, người bệnh trở nên chậm chạp, phản ứng kém hơn so với trạng thái bình thường. Thêm vào đó người bệnh Parkinson còn có biểu hiện đơ cứng và giảm phản xạ tư thế (giữ thăng bằng kém, dễ té ngã khi vận động đột ngột).
Thực tế, các biểu hiện ngoài vận động rất đa dạng và có thể biến đổi khi tình trạng bệnh trở nên nặng hơn theo thời gian. Một số triệu chứng ngoài vận động thường thấy ở người bệnh Parkinson có thể kể đến như: rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, táo bón hoặc nặng hơn là ảo thị và thay đổi tính cách.
Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chỉ rõ ra các nguyên nhân dẫn đến bệnh Parkinson. Tuy nhiên, dựa vào các kinh nghiệm và thống kê về những ca điều trị có thể thấy được người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh Parkinson với tỷ lệ 1%, tiền căn gia đình bị Parkinson cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên đến 2-5%. Ngoài ra, các yếu tố ngoại cảnh như môi trường sống (tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ), chủng tộc, chấn thương ở đầu trong quá khứ cũng có thể dẫn đến khởi phát bệnh trong tương lai.
Cho đến nay, bệnh Parkinson được điều trị hiệu quả và các triệu chứng trên sẽ được cải thiện khi người bệnh duy trì uống thuốc và kết hợp các biện pháp tập thể dục hoặc tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn. Vì bệnh Parkinson là bệnh lý mạn tính, tiến triển dần theo thời gian nên người bệnh cần phải duy trì sử dụng thuốc liên tục, chỉ thay đổi khi xuất hiện tác dụng phụ và có chỉ định từ bác sĩ điều trị. Người bệnh cũng cần hết sức lưu ý, ngoài việc phục hồi chức năng và điều trị thì dinh dưỡng cũng là một vấn đề cần được quan tâm đối với bệnh Parkinson. Một chế độ ăn cân bằng với nhiều trái cây và rau củ chứa nhiều chất chống oxy hóa sẽ giúp loại bỏ các gốc tự do có hại ra khỏi cơ thể. Đối với người bệnh có triệu chứng khó nuốt, thức ăn nên được làm sệt, nấu mềm để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
Song song với việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện với cường độ hợp lý (3 ngày/tuần, mỗi ngày 30-40 phút) là một phương pháp được khuyến cáo cho người bệnh Parkinson giúp cải thiện triệu chứng vận động, trí nhớ, giảm mệt mỏi, giảm lo âu trầm cảm, cải thiện giấc ngủ. Trong tình huống Covid-19 còn diễn biến phức tạp, người bệnh có thể thực hiện các bài tập ngay tại nhà như: các động tác duỗi cơ, đạp xe đạp cố định hoặc đi bộ với thảm, yoga, Thái cực quyền…
Người bệnh Parkinson trong tình huống Covid-19
Người bệnh Parkinson trong tình huống Covid-19
Có một lưu ý người bệnh Parkinson cần tuân thủ đầy đủ 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như thực hiện tiêm vaccine để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn dịch bệnh. Người bệnh Parkinson ở tất cả giai đoạn hiện không có chống chỉ định đối với vaccine phòng ngừa Covid-19 được cấp phép trên thị trường. Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc điều trị Parkinson trước và sau tiêm.
Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận điều trị cho trường hợp người bệnh Phan Thị H. (49 tuổi, ngụ tại TPHCM), có dấu hiệu run khi nghỉ và cử động chậm hơn so với bình thường. Người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson giai đoạn I còn gọi là bệnh mới khởi phát và được các bác sĩ kê toa cũng như tư vấn lộ trình tập luyện phù hợp theo từng giai đoạn bệnh.
Được biết, gần đây chị H. thực hiện tiêm phòng vaccine Covid-19 theo yêu cầu từ địa phương, do sợ xảy ra phản ứng thuốc nên trước và sau khi tiêm chị ngừng uống thuốc điều trị Parkinson làm các biểu hiện run rẩy nhiều, chậm cử động nhiều hơn và mệt nhiều hơn phải nhập viện. Ngoài bệnh nhân nói trên, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh Parkinson có triệu chứng trở nặng trong giai đoạn Covid-19 do chưa biết cách ứng phó và kiểm soát bệnh hiệu quả cũng như nhiều trường hợp người bệnh không tiêm ngừa Covid-19 vì sợ bệnh Parkinson trở nặng.
Trong trường hợp người bệnh Parkinson không may nhiễm Covid-19 sẽ có nguy cơ trở nặng do đã có sẵn bệnh lý nền, cần điều trị song song Covid-19 lẫn Parkinson bằng thuốc và chế độ vận động được các bác sĩ chỉ định. Hậu Covid-19 người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ trực tiếp kiểm tra, điều chỉnh thuốc nếu cần thiết và hướng dẫn các bài tập vận động trở lại, phòng ngừa những biến chứng nặng nề sau này.