Mỏi mòn bám trụ thành phố
Khác với nhiều người trong khu trọ chọn cách rời TP.HCM về quê khi được phép đi lại liên tỉnh, chị Vũ Thị Lan 40 tuổi, quê Hưng Yên, thường ngày bán cây cảnh bonsai mini dạo ở quận Gò Vấp, vẫn chọn cách bám trụ TP để chờ ngày đi làm trở lại. Chị Lan chia sẻ, gắn bó với TP.HCM gần 15 năm nay, chưa bao giờ cuộc sống gia đình chị chật vật như lúc này. Giãn cách triền miên, không buôn bán được, thiếu trước hụt sau khiến chị bị stress nặng. Để cầm cự, chờ tới ngày được buôn bán trở lại như trước đây, gia đình chị phải “thắt lưng buộc bụng”, sử dụng rất tiết kiệm những khoản tiền hỗ trợ của TP.
“Vì tôi làm nghề buôn bán tự do, đi bán để trang trải hằng ngày. Bốn tháng nay dịch bệnh chỉ có ở nhà đâu có làm được gì, ảnh hưởng rất nhiều. Thấy người ta về quê từng đoàn mình cũng muốn lắm. Nhưng về cũng không giải quyết được gì. Về nhà lúc này cũng không làm việc gì được, cứ trụ ở đây, đến khi nào thực sự không làm ăn được thì mới tính tiếp”.
Chị Võ Thị Mỹ Nương 35 tuổi, là giáo viên một trường mầm non tư thục ở TP. Thủ Đức chia sẻ, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 thì trường đóng cửa, chị bị mất việc từ đó đến giờ. Không thu nhập, sau thời gian dài bám trụ TP, nguồn tiết kiệm của gia đình cũng đã cạn kiệt. Nhiều tháng nay, tiền ăn, tiền thuê trọ, tiền sữa cho 2 đứa con nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập bấp bênh từ công việc lái xe của chồng chị. Hơn lúc nào hết chị Nương mong muốn sớm được đi làm trở lại và dự định sẽ chuyển việc nếu tình hình này kéo dài: “Nếu tình hình này kéo dài đến cuối năm, tôi cũng dự định sẽ cho con về với ngoại để kiếm việc mới, làm thêm có thu nhập lo sữa uống cho các bé đầy đủ hơn. Ở như thế này vừa tốn tiền phòng trọ, một mình chồng tôi đi làm cũng không đủ trang trải hết các chi phí như ăn uống, sữa,…”
Ai cũng mong được đi làm
Hơn 20 ngày TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới, bên cạnh nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh đã được trở lại thì nhiều ngành nghề như hàng rong, xe ôm truyền thống vẫn chưa được phép hoạt động. Họ là những đối tượng dễ tổn thương nhất bởi dịch COVID-19. Ông Trần Văn Kháng, 54 tuổi, chạy xe ôm truyền thống ở TP. Thủ Đức cho biết bản thân đã được tiêm 2 mũi vaccine nên ông trông chờ từng ngày TP cho hành nghề trở lại,
“Chúng tôi là những lao động tự do chạy xe ôm truyền thống cũng mong muốn TP sớm diệt được hết dịch, để anh em chúng tôi được chạy lại, kiếm sống lo cho gia đình. Nhiều khi được chạy lại tôi cũng sợ nhưng tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine rồi. Đương nhiên là vẫn phải đề phòng, mình đi thì cũng phải cẩn thận, lúc nào cũng 5K”- ông Kháng chia sẻ.
Sự tàn khốc của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã là nỗi ám ảnh, sợ hãi của nhiều người dân TP.HCM, nhất là những lao động tự do xa quê. Chẳng ai muốn giai đoạn khủng hoảng này sẽ lặp lại lần nữa. Cho nên, nếu được đi làm trở lại, nhiều người cho biết sẽ cẩn thận, tự ý thức hơn để bảo vệ bản thân và cộng đồng.