Tiến sĩ y khoa 29 tuổi
Người chúng tôi nói đến trong câu chuyện này là TS. Phan Minh Liêm (sinh năm 1983, quê Khánh Hòa), đang công tác tại Trung tâm Ung thư MD Anderson, Mỹ. Liêm sinh ra trong một gia đình có ba mẹ đều là nhà giáo ở thành phố biển Nha Trang. Từ nhỏ, Liêm đã ham thích tìm hiểu, đọc sách nên lực học của Liêm đáng nể.
Năm học lớp 9, Liêm đoạt giải nhì môn tiếng Pháp kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đồng thời nhận được học bổng của Tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp du học. Trong thời gian ngắn ngủi hơn 1 năm tại Pháp, Liêm quyết định theo đuổi lĩnh vực công nghệ sinh học.
Năm 2001, Liêm thi vào ngành công nghệ sinh học Trường Đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia TPHCM. Năm học thứ 3, Liêm được nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF, do Quốc hội Mỹ thành lập, nhằm tìm kiếm, đào tạo giúp đỡ nhân tài cho Việt Nam).
Khi sang Mỹ học, các giáo sư, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ đều khuyên Liêm nên đến Trung tâm Ung thư MD Anderson, một trong các trung tâm ung thư hàng đầu của Mỹ, để theo đuổi đam mê nghiên cứu về ung thư. Vậy là Liêm bước vào con đường nghiên cứu ung thư từ đây.
Năm 2012, sau hơn 7 năm học, Liêm nhận được bằng tiến sĩ y khoa lúc 29 tuổi, với dấu ấn 15 công trình nghiên cứu cùng đồng nghiệp về căn bệnh ung thư. Sau 14 năm học tập, nghiên cứu, khi tròn 33 tuổi, TS. Liêm đã có 24 công trình nghiên cứu chuyên sâu. Đặc biệt, anh là người Việt đầu tiên và duy nhất đến lúc này 4 lần được vinh danh, lưu tên lên bức tường danh dự của Trung tâm Ung thư MD Anderson.
Lương duyên người cùng chí hướng
Lương duyên người cùng chí hướng
Sau khi thành công trên đất Mỹ, Liêm nung nấu ước mơ đưa công nghệ tầm soát ung thư bằng giải mã gen về Việt Nam. Cũng qua nhiều mối quan hệ, nhưng lương duyên đã đến tại Chương trình 20 năm thắp lửa do Trung ương Đoàn tổ chức vào tháng 3-2016. Tại đây, TS. Phan Minh Liêm và ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa (ATC) gặp nhau. Chỉ sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi, họ đã bắt tay thực hiện ước mơ xây dựng một trung tâm tầm soát ung thư tại Việt Nam.
Nói về ý tưởng hợp tác với TS. Liêm, ông Tưởng cho biết trong quá trình phát triển dự án Làng Hòa Bình sáng tạo tại Nha Trang, Công ty ATC dự định xây dựng tại đây một trung tâm chữa bệnh quốc tế, kết hợp du lịch, trong đó việc đưa công nghệ chữa bệnh hàng đầu về đây. Trong quá trình hợp tác với Trung tâm Ung thư MD Anderson để nghiên cứu về cây trầm hương, trung tâm này đã giới thiệu ông với TS. Liêm.
“Sau khi nghe, hiểu nhiều về TS. Liêm, tôi không ngần ngại liên hệ gặp, trao đổi và muốn cùng Liêm biến ước mơ của anh ấy thành hiện thực” - ông Tưởng chia sẻ.
Nhưng có duyên, cùng chí hướng thôi chưa đủ, cái chính thuyết phục được Trung tâm Ung thư MD Anderson chuyển giao công nghệ. Vượt qua nhiều rào cản pháp lý, cơ chế của 2 quốc gia bằng nỗ lực và cái tâm, các giáo sư hàng đầu Trung tâm Ung thư MD Anderson sau nhiều lần đến Việt Nam làm việc, thẩm định năng lực của ATC, đã đồng ý chuyển giao độc quyền công nghệ. Đây là bước khởi đầu cho việc đưa giá trị cuộc sống người Việt lên một nấc thang mới.
Khi hỏi về động lực nào để ông đầu tư cho một dự án khoa học, thường mất rất lâu để thu hồi vốn dù bỏ ra rất nhiều tiền, ông Tưởng bày tỏ: “Đất nước chúng ta giờ cơm no, áo đủ, đó là kỳ tích sau nhiều năm đổi mới, nỗ lực. Nhưng so với thế giới, chất lượng sống của chúng ta còn thấp, ảnh hưởng đến giá trị cuộc sống. Đó là động lực giúp chúng tôi nỗ lực vượt qua những khó khăn. Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh phải tuyên truyền, nhằm giúp người dân hiểu và tiếp nhận công nghệ sớm hơn”.
Đưa công nghệ hàng đầu về Việt Nam
Đưa công nghệ hàng đầu về Việt Nam
Tháng 7-2018, Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức khai trương tại TP Nha Trang, do TS. Phan Minh Liêm làm Viện trưởng. Đây là cơ sở nguyên cứu và điều trị ung thư quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, được đánh giá là bước đột phá trong công nghệ y sinh của Việt Nam, mở ra cơ hội tiếp cận giải pháp điều trị ung thư hiệu quả và chi phí thấp nhất cho người Việt.
TS. Liêm bày tỏ: “Trong bộ gen của mỗi tế bào luôn có nhiều gen kháng ung thư. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết về các gen này. Trong một lần nuôi cấy tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, tôi phát hiện tế bào ung thư tăng cường hấp thu dinh dưỡng và chuyển hóa năng lượng mạnh mẽ để tạo ra các tế bào mới khi có một đột biến quan trọng về di truyền xảy ra. Sự đột biến ở đây như cái chốt chặn và nếu ta khống chế, chặn được, nó sẽ không còn nguồn năng lượng để phát triển. Và với nghiên cứu này, chúng tôi chỉ cần 48-96 tiếng đồng hồ là tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư đó”.
Mỗi năm có 18 triệu ca bệnh mới được phát hiện trên toàn cầu, và cứ mỗi năm thế giới lại mất đi 8 triệu người vì ung thư. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ và nguy cơ ung thư thuộc hàng cao trên thế giới, mỗi năm có thêm 150.000 người bị phát hiện ung thư, tất cả đều phát hiện quá trễ nên mọi phác đồ điều trị đã quá muộn, dẫn đến tỷ lệ chết vì ung thư tại nước ta luôn top đầu thế giới.
Với công nghệ hiện nay, có khả năng giải mã trên 20.000 gen của các tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, nhằm tầm soát các đột biến di truyền làm tăng nguy cơ ung thư và xác định các phương pháp điều trị tối ưu. Công nghệ giải mã gen thế hệ mới hiện đang dẫn đầu thế giới về hiệu quả lâm sàng trong việc phát hiện và điều trị sớm ung thư.
“Tôi mong rằng người dân sẽ sớm tiếp cận để thụ hưởng từ công nghệ hàng đầu tại Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ, không phải bỏ công, của đi ra thế giới vốn rất tốn kém” - TS. Liêm tâm sự.
Từ hồi đại học, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về căn bệnh ung thư, có khi ám ảnh về nó. Vậy nên tôi quyết đi đến cùng nghiên cứu căn bệnh này. Hàng chục công trình, giải thưởng đã nhận, nhưng mong muốn cuối cùng của tôi là giúp người bệnh ung thư khỏe mạnh, giúp họ phát hiện sớm căn bệnh này để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. |