Gần đây, vật liệu cát phục vụ ngành xây dựng ở khu vực ĐBSCL khan hiếm, giá tăng vọt. Sự mất cân bằng giữa “cung và cầu” làm cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đang gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi dự định xây nhà mới nhưng nghe vật liệu, nhất là cát lên quá nên không đủ tiền làm. Chắc là tôi phải dời lại năm sau làm, hy vọng giá cát giảm để bớt chi phí…”
Còn ông Nguyễn Hữu Thịnh, chủ một doanh nghiệp xây dựng tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre tâm tư: “Công trình mấy ngày nay đang chờ cát, chưa triển khai gì được. Gần đây, giá cát lên quá mà các nhà thầu không được giải quyết trượt giá, tụi tôi điêu đứng. Tôi lỗ tiền cát, cát bây giờ mất cả trăm nghìn/khối, có tiền mua cũng không được. Theo góc độ ngành xây dựng mong sao có nguồn cát ổn định, giá phù hợp chứ để vậy kẹt nhà thầu quá”.
Cát xây dựng khan hiếm, giá cao đang là câu chuyện rất thời sự ở vùng ĐBSCL, đang là sức ép lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và người tiêu dùng. Chỉ trong 3 tháng qua, khi các mỏ cát trên sông giảm trữ lượng, và ngành chức năng quản lý chặt chẽ, chấn chỉnh, đưa hoạt động khai thác cát vào nề nếp, lượng cát cung cấp cho thị trường giảm nhiều, nên giá tăng lên.
Tại tỉnh Tiền Giang, ở thời điểm này, cát xây loại thường giá hơn 230.000 đồng/m3, loại tốt giá trên 500.000 đồng/m3. Riêng cát lấp (phục vụ san lấp mặt bằng) giá cũng ở mức từ 170.000 - 190.000 đồng/m3. Tuy giá cao, nhưng tại nhiều bãi cát của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đều đã “cạn nguồn”.
Thời gian qua, đa số các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đều dùng sà lan đến các mỏ cát ở các tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp mua về dự trữ để bán lại. Gần đây, “cầu vượt cung” nên các sà lan phải neo đậu gần mỏ cát hơn 10 ngày, thậm chí nửa tháng mới đến “tài’ được cung cấp cát.
Ông Ngô Văn Vũ, Giám đốc Hợp tác xã cơ giới thủy bộ Tam Hiệp, tỉnh Tiền Giang- đơn vị có kinh doanh vật liệu cát cho biết, đưa xà lan lên mỏ cát tại tỉnh An Giang nhưng mua không được cát phải chạy về.
“Tôi có chiếc xà lan mới lấy về, đậu bên tỉnh An Giang hoài chịu không nổi lấy cát về do mua không được, xà lan đậu nửa tháng, giá cát cao quá mà mua không được” - ông Vũ nói.
Đối với các doanh xây dựng cần nhiều cát để san lấp mặt bằng các dự án có quy mô lớn, các nhà máy bê tông trong thời điểm này rất khó khăn thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với đối tác. Do nguồn cát khan hiếm nên hiện nay, nhiều công trình dự án xây dựng đã triển khai chậm hoặc ngưng thi công. Công tác đấu thầu các công trình, dự án mới, các nhà thầu cũng ngần ngại vì lo rằng sẽ thua lỗ khi giá cát tăng đột biến và chưa biết thời gian tới sẽ như thế nào.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc công ty TNHH thương mại xây dựng Thiên Thuận, tại xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời điểm cát xây dựng khan hiếm, giá tăng cao, ngoài việc quan tâm cho các mỏ cát hoạt động thì chủ đầu tư các dự án cần điều chỉnh mức giá cát trong các dự án cho phù hợp với giá trên thị trường. Hiện tại, các nhà thầu gặp rất khó khăn do giá vật liệu tăng đột biến nhất là nguồn cát.
“Giá cát trong dự toán trước là 109.000 đồng/m3 nhưng bây giờ giá ở ngoài thị trường là 180.000 đồng/m3 tại bãi. Mình phải vận chuyển đến công trình lên trên 200.000 đồng/m3, lỗ mấy chục phần trăm. Nói chung đấu thầu rất khó cho nhà thầu, chắc phải chờ thông báo giá, duyệt lại dự toán” - ông Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.
Nhu cầu cần vật liệu xây dựng như cát xây, cát lấp để phục vụ các công trình công dân dụng, các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm ở các địa phương hiện nay là rất cần thiết. Đặc biệt, các dự án tọong điểm quốc gia của vùng ĐBSCL đã và đang triển khai như: cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và tới đây là trục đường ven biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau… rất cần nguồn vật liệu cát để san lấp mặt bằng.
Do đó, vấn đề cần cát lấp, cát xây rất lớn, điều đó không loại trừ nguy cơ tiếp tục khan hiếm, sốt giá cát. Trong khi đó, nhiều địa phương ven sông Tiền hiện nay tạm ngưng cấp phép khai thác cát hoặc hạn chế hoạt động khai thác cát sông.
Tại tỉnh Tiền Giang 3 năm qua, hầu hết các mỏ cát trên sông Tiền đã hết hạn và không cấp phép mới cho bất kỳ mỏ cát nào trên sông. Qua ý kiến của các ngành chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, để “hạ sốt” giá cát như hiện nay chỉ có giải pháp là cấp phép khai thác cát mỏ cát trên sông, nhất là sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, Cổ Chiên thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh… Để thực hiện công việc này, các địa phương vùng ĐBSCL cần tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng cát và tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch đúng theo quy định của pháp luật.