Điều chỉnh giảm phí dịch vụ
Ngay ngày đầu tiên quay trở lại làm việc sau dịp Tết Nguyên đán, các NH đã chủ động đưa ra các giải pháp phòng tránh Covid-19, nhằm đảm bảo an toàn trong giao dịch. Tuy nhiên, theo lãnh đạo phòng giao dịch của một NHTMCP, từ Tết đến nay lượng người đến NH giao dịch rất hạn chế. Những khách hàng doanh nghiệp cần xử lý các khoản tồn đọng của đơn hàng sau Tết mới đến giao dịch.
Trong bối cảnh đó, nhiều NH đã phải miễn, giảm phí dịch vụ để vừa tạo sự tiện lợi, vừa giữ chân khách hàng. Thậm chí, nhiều NH đã miễn 100% phí cho cá nhân và 50% đối với doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, đồng thời cộng thêm lãi suất tiết kiệm trực tuyến để thu hút tiền gửi.
Mới đây, 17 NH đã đồng hành cùng NAPAS (thẻ do CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam phát hành, tương tự thẻ ATM nội địa) tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ chuyển tiền cho các giao dịch giá trị nhỏ. Cụ thể, Techcombank, MB, VietCapital Bank, VPBank, TPBank, OCB, PVcombank, SeABank, CIMB và UOB, thông báo từ ngày 25-2 miễn phí các giao dịch chuyển tiền nhanh liên NH 24/7 qua NAPAS có giá trị dưới 500.000 đồng. BIDV, Kienlongbank, Saigonbank và Coopbank áp dụng tối đa 2.000 đồng/giao dịch chuyển tiền.
Vietcombank giảm từ 7.700 đồng/giao dịch xuống còn 5.500 đồng/giao dịch trên tất cả kênh. Eximbank áp dụng chính sách miễn phí cho các giao dịch chuyển tiền nhanh liên NH 24/7 trên NH điện tử. Trên kênh quầy, Eximbank dự kiến thu 8.800 đồng/giao dịch thay vì mức cũ 0,03% giá trị giao dịch, tối thiểu 10.000 đồng và tối đa 90.000 đồng/giao dịch. Sacombank giảm phí từ 12.000 đồng/giao dịch xuống còn 10.000 đồng/giao dịch, thu 2.500 đồng/giao dịch nếu thực hiện trên ứng dụng Sacombank Pay…
Các năm gần đây, thu nhập từ dịch vụ mặc dù vẫn còn khoảng cách lớn thu nhập lãi thuần, nhưng đã có cải thiện rất đáng kể, giúp NH cạnh tranh trong cuộc đua lợi nhuận đầy khốc liệt. Năm 2019, thu phí dịch vụ của các nhà băng tăng trưởng 30,7% và sự cải thiện đến từ 3 NH là VIB (144,6%), VPBank (84,2%) và TPBank (58,6%). Các NHTM có vốn nhà nước cũng ghi nhận mức tăng đáng kể như VietinBank tăng 46,5%, Vietcombank tăng 26,6% và BIDV tăng 20,6%.
Hy sinh thu nhập lãi thuần
Hy sinh thu nhập lãi thuần
Vừa rồi NHNN đã có công văn yêu cầu các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch, có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ 23-1 đến 31-3-2020.
Ngay sau đó, Vietcombank, BIDV, VPBank, SHB, NamABank, Kienlongbank, ABBank, Eximbank… đã dành nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Mức giảm 0,5-1,5%/năm, thậm chí có NH ưu đãi đến 2-3%/năm. Khi đưa ra các chương trình này, các NH top đầu thừa nhận sẽ phải hy sinh lợi nhuận 300-500 tỷ đồng, các NH nhóm sau cũng khoảng 50-100 tỷ đồng.
Như vậy, năm nay tăng trưởng tín dụng của các NHTM sẽ bị ảnh hưởng. Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến ngày 7-2-2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế giảm 0,38% so với cuối năm 2019. Mức giảm tập trung ở một số ngành bị ảnh hưởng lớn, như công nghiệp chế biến - chế tạo (chiếm 16,48% GDP và chiếm tới 14,52% tổng dư nợ nền kinh tế); nông lâm nghiệp thủy sản (13,96% GDP và 8,74% dư nợ tín dụng).
Dự báo tổng dư nợ nền kinh tế và nhiều ngành khác như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may và da giày, du lịch, thương mại... sẽ bị tác động mạnh. Bên cạnh đó, rủi ro tiềm ẩn nợ quá hạn, nợ xấu cũng gia tăng. 43 TCTD đã dự kiến khoảng 950.000 tỷ đồng dư nợ có khả năng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó dư nợ của các NHTM có vốn nhà nước bị ảnh hưởng gần 600.000 tỷ đồng…
Trong tháng 1, nhiều báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đều dự báo lạc quan về lợi nhuận các NHTM trong năm 2020, trên cơ sở đà tăng của năm 2019. Nhưng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nhịp tăng trưởng lợi nhuận của NH năm nay sẽ chịu những tác động nhất định. Dù nhiều nhà băng đã chuyển hướng vào bán lẻ để cải thiện tỷ lệ NIM, nhưng với tình trạng hiện nay nhu cầu vay tiêu dùng của người dân sẽ phần nào bớt sôi động như trước.
Đến thời điểm này đã có thể thấy rõ dịch bệnh trước mắt không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành sản xuất, thương mại dịch vụ, mà còn tác động đến nhiều ngành khác, trong đó ngành NH. Gánh trên vai nhiệm vụ cung ứng tín dụng, các NH sẽ phải gồng mình để đồng hành cùng khách hàng trong cuộc đối phó với dịch Covid-19. Vấn đề là các NH phải tìm các giải pháp để vượt qua, thậm chí phải xem xét đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp để có thể hoàn thành kế hoạch năm nay.