Nhà băng “buông” phí “bắt” CASA

(ĐTTCO) - Trong vài năm gần đây, tăng trưởng tín dụng bắt đầu chậm lại, nhưng các NHTM vẫn phải duy trì tăng trưởng lợi nhuận 20-30%/năm. Trước áp lực đó, tìm kiếm các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA), nhằm giảm chi phí huy động tăng khả năng sinh lời, là giải pháp được nhiều NH hướng đến.

Việc thu hút được tỷ lệ cao CASA đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo tiền đề giúp NH cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường.
Việc thu hút được tỷ lệ cao CASA đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo tiền đề giúp NH cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường.
Số hóa hút tiền gửi không kỳ hạn
Cuối năm 2020, MB trình làng SmartBank, mô hình NH giao dịch tự động thay cho việc thao tác tại quầy. Tương tự, VietinBank cũng cho ra mắt hệ thống máy giao dịch tự động R-ATM. Như vậy, sau khi Live Bank của TPBank ra đời, ngày càng có nhiều NH tham gia phát triển hệ thống NH giao dịch tự động. Ngoài 2 NH nói trên, trước đó đã có VPBank, Agribank, Techcombank triển khai hệ thống giao dịch NH tự động. Cùng lúc, làn sóng cải tiến ứng dụng NH điện tử cũng diễn ra rầm rộ. Đi kèm với đó là cuộc chiến phí dịch vụ 0 đồng ngày càng nóng lên. 
Đơn cử, VietinBank mới đây thông báo miễn 100% phí giao dịch kênh NH điện tử VietinBank eFAST cho hơn 20 loại giao dịch. HDBank miễn 100% phí dịch vụ internet banking và mobile banking, phí chuyển tiền trong hệ thống và ngoài hệ thống, phí rút tiền ATM nội mạng, phí SMS và ATM thường niên (theo gói) cho cá nhân mở mới 1 trong 3 gói thuộc tài khoản HDBank Pro, hoặc chuyển đổi tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản HDBank Pro. ABBANK miễn phí toàn bộ dịch vụ tài chính online thiết yếu, bao gồm cả phí duy trì khi sử dụng NH số AB Ditizen… 
Tăng cường đầu tư công nghệ được xem là nhiệm vụ của các NH trong bối cảnh CMCN 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ. Giải pháp này cùng với làn sóng phí 0 đồng đã đáp ứng được mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và yêu cầu của NHNN về việc miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi trong cuộc đua cải tiến dịch vụ và miễn giảm phí của các NHTM từ năm 2020 đến nay. Nguyên nhân sâu xa hơn khiến các NH gấp rút trong cuộc đua số hóa vì đây là giải pháp để tăng nhanh lượng tiền gửi không kỳ hạn. Khi tỷ lệ CASA tăng cao, NH kiểm soát chi phí vốn, bởi nguồn vốn giá rẻ này có thể cho vay ngắn hạn hoặc cho vay trung và dài hạn theo tỷ lệ đã được NHNN quy định, nhằm hưởng chênh lệch lãi suất cao hơn. 
Và khi thương mại điện tử phát triển, các dịch vụ NH tự động, NH điện tử, NH số cải tiến mạnh mẽ, khách hàng sẽ có niềm tin để gia tăng giao dịch bằng thẻ hoặc kênh trực tuyến. Như vậy, số dư tiền gửi trên tài khoản vẫn được duy trì để sử dụng thay cho việc rút và giữ tiền mặt, giúp NH theo đuổi được mục tiêu tăng tỷ lệ CASA.

Chấp nhận đầu tư mới được hái quả
Nguồn tiền gửi không kỳ hạn của hệ thống NH hiện chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. Tuy nhiên, theo thống kê từ kết quả kinh doanh năm 2020, tỷ lệ CASA chỉ tập trung cao ở một số NH lớn như Techcombank (46,1%), MB (39,3%), Vietcombank (30,2%), ACB (21,5%), TPBank (19,4%), VietinBank (19,3%), Sacombank (18,8%), BIDV (18,6%), VPBank (15,6%). So sánh với các năm trước, bảng xếp hạng CASA đã có nhiều thay đổi. Trước đây, quán quân CASA thuộc về các NHTM có vốn nhà nước, bởi các nhà băng này có nguồn tiền gửi dồi dào từ các tập đoàn, tổng công ty lớn. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, một số NHTMCP quy mô lớn bắt đầu quan tâm hơn đến việc huy động CASA, nhằm giải tỏa bớt áp lực phải giữ lãi suất cạnh tranh so với các nhà băng khác, đồng thời dần vươn lên đầu bảng về tỷ lệ CASA. 
Đơn cử, Techcombank từ năm 2018 đã quan tâm đến vấn đề này. Chỉ sau 3 năm, từ vị trí thứ 3 sau MB và Vietcombank, năm 2020 Techcombank đã vươn lên vị trí quán quân CASA với tỷ lệ kỷ lục lên đến 46,1%. Nguyên nhân tăng trưởng nhanh như vậy được lãnh đạo NH này tiết lộ nhờ vào định hướng tập trung phục vụ toàn diện nhu cầu tài chính của các phân khúc khách hàng mục tiêu, chuyển đổi chiến lược bán lẻ nhằm thu hút và giữ chân khách hàng dựa trên nền tảng số hóa.
Hiện thanh toán không tiền mặt ngày càng tăng trưởng, nhu cầu mở tài khoản và giữ tiền mặt không kỳ hạn trên tài khoản thanh toán cũng gia tăng. Do đó, bên cạnh Techcombank, nhiều NHTMCP cũng đặt mục tiêu phải chạy đua để nâng tỷ lệ CASA. Trong chiến lược phát triển mới giai đoạn 2020-2024, ACB đặt mục tiêu đạt tỷ lệ CASA ở mức 25% vào năm 2021. Nhiều nhà băng nhỏ cũng muốn tham gia, như PGBank đang đặt kỳ vọng tăng trưởng CASA 15% so với năm 2020. Bởi lẽ, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong bối cảnh phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn đại dịch, việc tăng biên lãi ròng của các NH gặp nhiều khó khăn. Do đó, tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất huy động chỉ 0,1-0,2%/năm là giải pháp cải thiện lợi nhuận tốt trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên đối với những NH đang đi sau, muốn tăng CASA, trước tiên phải chịu bỏ vốn đầu tư. Vì như phân tích ở trên, CASA của một số NH tăng nhanh qua việc đầu tư phát triển NH số và thanh toán phi tiền mặt. Chi phí đầu tư này lại khá tốn kém. Để khách hàng chỉ giao dịch qua tài khoản, không rút tiền mặt, NH phải tạo ra hệ sinh thái giao dịch trực tuyến hoàn thiện, cụ thể phải đầu tư mạnh vào công nghệ để số hóa các dịch vụ từ thanh toán đến cho vay, kết nối với ví điện tử, công ty tài chính, bảo hiểm. Kèm theo đó, NH phải có thêm các ưu đãi phí, hoàn tiền… Có như vậy, lượng khách hàng mở tài khoản mới gia tăng và số dư trên tài khoản tăng lên. 
Như vậy, đối với các NH chưa phát triển được hệ sinh thái giao dịch NH số toàn diện, chạy đua CASA trước mắt sẽ gây áp lực về tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR), khi phải nâng cấp công nghệ, tăng cường ưu đãi khách hàng. Song trong dài hạn, chi phí hoạt động nói chung sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi chi phí huy động giảm xuống. Vì vậy hiện có khá nhiều NH nhỏ đang chấp nhận đầu tư, giảm phí để theo đuổi mục tiêu này.

Các tin khác