Thông tư 02/2023 cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Theo đó, TCTD được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD.
Đối tượng được cơ cấu nợ gồm các khách hàng có dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30-6-2024.
Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận... TCTD không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30-6-2024.
TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Thống đốc NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này.
Đối với số lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, TCTD không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính.
TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với khách hàng có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định. Cụ thể, đến thời điểm 31-12-2023, trích lập tối thiểu 50% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung. Đến thời điểm 31-12-2024, trích thêm số còn lại để đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
Trước đó, chia sẻ tại buổi toạ đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" được tổ chức ngày 30-3, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng: "Hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp là việc làm cấp thiết". Cũng theo Phó Thống đốc, việc giãn, hoãn nợ phải phù thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng.