Trọng trách lớn
Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, các khó khăn dồn dập đến với doanh nghiệp và người dân. Cùng với sự gia tăng về mức độ trầm trọng của dịch bệnh và những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân gặp phải, ngành Ngân hàng ngay lập tức được vây quanh với các đề nghị hỗ trợ và giải cứu.
Trước những khó khăn chồng chất của doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã lập tức được ngành Ngân hàng triển khai. Khởi đầu là chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, phí chuyển tiền cho người dân, doanh nghiệp, và tiếp đó là các nỗ lực rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19.
Gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng cũng nhanh chóng được công bố. Mới đây nhất, sau khi có sự chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngay trong ngày 1/4, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện giảm mạnh lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Các biện pháp cho doanh nghiệp vay vốn nhằm trả lương cho người lao động cũng đang được nghiên cứu triển khai.
Các ngân hàng làm được điều này trên cơ sở NHNN đã thực hiện giảm các mức lãi suất điều hành, thực hiện điều tiết thị trường, can thiệp thanh khoản hàng ngày linh hoạt. Nhưng quan trọng hơn đó là sự chia sẻ của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thông qua việc tiết giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí lương, thưởng, việc không không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nhằm tập trung mọi nguồn lực cần thiết để có thể giảm mạnh lãi suất cho vay.
Những biện pháp này được triển khai trong bối cảnh Ngành vẫn phải thực hiện các trọng trách khác như kiểm soát lạm phát, và yêu cầu phải đảm bảo các hoạt động ngân hàng thông suốt, giữ ổn định tình hình thanh khoản của thị trường, diễn biến tỷ giá, thanh khoản thị trường ngoại tệ rất dồi dào, bảo đảm đầy đủ các hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, cho người dân và doanh nghiệp.
Duy trì độ bền cho chặng đua đường dài
Thực thi các trọng trách trên, ngành Ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, hiện nay vẫn chủ yếu phải dựa vào nguồn lực của chính mình. Các ngân hàng đang căng mình huy động các nguồn lực, vận dụng các quy định pháp lý cho phép nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Chống dịch, phục hồi và bật dậy sau dịch sẽ là chặng đua đường dài, và sự hỗ trợ và đồng hành của ngành Ngân hàng sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng và nhiều năm tới.
Trong chặng đua đường dài này, sự an toàn của ngành Ngân hàng cũng như độ bền của nó có ý nghĩa quan trọng cho sự phục hồi và bật dậy của nền kinh tế sau khi dịch bệnh qua đi.
Ngành Ngân hàng do vậy cũng cần phải duy trì độ bền, có bước đi thận trọng, và dưỡng sức cho cuộc thử thách đường dài này. Các biện pháp hỗ trợ chống dịch cũng cần chú ý tới sự an toàn và sức bền của hệ thống, tránh các rủi ro pháp lý cho các ngân hàng thương mại và sự gia tăng nợ xấu và rủi ro của hệ thống trong trung hạn.
Đặc biệt, những kết quả ban đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng cần được bảo vệ. Các nguyên tắc của thị trường trong hoạt động ngân hàng, hạn chế sự can thiệp trong các quyết định thương mại của các tổ chức tín dung, tách bạch giữa các hoạt động thương mại và cho vay chính sách, quản lý chặt chẽ rủi ro vẫn cần phải được duy trì, nhằm bảo vệ những kết quả của quá trình tái cấu trúc mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong suốt hơn ba thập kỷ vừa qua.
Cũng như bao doanh nghiệp khác, ngành Ngân hàng cũng không hoàn toàn miễn nhiễm trước Covid-19. Nó cũng cần đường tăng cường hệ miễn dịch để có thể vững vàng đồng hành với doanh nghiệp, người dân đi qua đại dịch và phục hồi, bật dậy sau đó.
Sức khỏe của hệ thống ngân hàng cũng cần được chăm sóc vì lợi ích lâu dài của toàn bộ nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thuế, chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng phải bao gồm các đối tượng là các tổ chức tín dụng, đặc biệt những đơn vị đang tiên phong trên tuyến đầu triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Sự an toàn và sức khỏe của hệ thống ngân hàng cần được coi là một ưu tiên hàng đầu khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ.