Nhà băng hút tiền, vốn chảy vào đâu?

(ĐTTCO) - Từ cuối năm 2021 đến nay, các nhà băng tung thêm nhiều “chiêu bài” lãi suất cao để thu hút tiền gửi. Giữa bối cảnh đó, NHNN lại có động thái siết chặt đối với các vấn đề liên quan đến tín dụng của các NHTM. Vậy các NH hút vốn để bơm vào kênh nào?

Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Thanh khoản được bồi đắp
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 26.526 tỷ đồng/phiên, tăng 257,5% so với bình quân năm trước. Trên thị trường trái phiếu (TP), 594.520 tỷ đồng TPDN được phát hành trong nước, tăng hơn 35,8%. Điểm hút vốn của kênh này là lãi suất hấp dẫn, thậm chí cao gấp đôi lãi tiết kiệm.
Song song đó, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục là “đối thủ” cạnh tranh lớn với kênh tiền gửi. Lãi suất huy động ở mức thấp đã khiến tiền gửi từ khu vực dân cư năm 2021 chỉ tăng 3,08%, trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các NH tăng đến 15,73% vì sản xuất kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn. 
Tuy nhiên, tình thế có dấu hiệu đảo chiều trong năm 2022. NHNN vừa công bố dữ liệu mới nhất về tình hình tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các TCTD của tháng đầu tiên năm nay. Theo số liệu cập nhật, tại thời điểm cuối tháng 1-2022, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,59% so với cuối năm 2021.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,57 triệu tỷ đồng, giảm 1,21% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,95% so với cùng kỳ. 
Như vậy, tiền nhàn rỗi từ khu vực dân cư đang có xu hướng quay trở lại hệ thống NH. Diễn biến trên thị trường liên NH cũng cho thấy, thanh khoản của hệ thống cũng bớt căng thẳng hơn trong thời gian gần đây. NHNN liên tục hút ròng trên thị trường mở từ giữa tháng 3 cho đến nay.
Lãi suất liên NH các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần trong thời gian từ 21 đến 25-3 có chung diễn biến giảm. Trong đó, kỳ hạn qua đêm giảm 0,07%, 1 tuần giảm 0,03%; 2 tuần giảm 0,05% lần lượt xuống mức 2,13%, 2,25% và 2,32%/năm. Tại ngày 29-3, lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm tiếp tục lùi về mức 2,03%, kỳ hạn 1 tuần giảm nhẹ về mức 2,24%. 
Hiện tại, các nhà băng tung thêm nhiều phương thức khuyến mãi lãi suất hấp dẫn. Mới đây, HDBank đã gửi email đến khách hàng thông báo cộng thêm lãi suất tối đa 1,5%/năm khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng tại quầy.
Theo đó, khách hàng có thể hưởng ưu đãi lãi vàng lên đến 6,8%/năm. PvcomBank cũng vừa triển khai tiết kiệm online trên ứng dụng PV-Mobile Banking, thông báo lãi suất sẽ cao hơn 0,3%/năm so với gửi tại quầy, người gửi còn được ứng vốn lên tới 90% giá trị tiền gửi trong trường hợp có nhu cầu đột xuất về tài chính. 
Rộng hơn mặt bằng chung, lãi suất huy động tháng 3 một số NH tại kỳ hạn 1 tháng dao động 2,55-4%/năm. Trong đó, mức lãi suất cao nhất thuộc về SCB áp dụng 4%/năm cho mọi khoản tiền gửi. Lãi suất NH kỳ hạn 6 tháng dao động trong khoảng 4-6,6%/năm. Lãi suất sôi động hơn ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, dao động 4,7-7,1%/năm.
Trong đó, Techcombank áp dụng lãi suất 7,1%/năm khi khách hàng gửi tiền từ 999 tỷ đồng trở lên. MSB và SCB giữ mức lãi suất cao thứ 2 tại kỳ hạn này với 7%/năm. Điều kiện hưởng lãi suất 7%/năm tại MSB là gửi từ 200 tỷ đồng trở lên. Ở kỳ hạn 13 tháng, SCB huy động với lãi suất 7,6%/năm. Ở kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, lãi suất được duy trì trong khoảng 5,1-7%/năm.

Đua hút vốn để đổ vào đâu?
Theo một chuyên gia tài chính, tiền nhàn rỗi quay về kênh tiết kiệm một phần do lãi suất huy động tăng và một phần nhờ sự hạ nhiệt của các kênh đầu tư khác. Cụ thể, hiện nay kênh chứng khoán đang trong thời kỳ điều chỉnh nên nhà đầu tư có tâm lý thận trọng hơn. Vàng tuy có một số đợt tăng nóng nhưng chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá thế giới quá cao, đồng thời tăng nhanh rớt nhanh nên dễ lỗ hơn lãi.
BĐS tuy vẫn sôi động nhưng chủ trương của Nhà nước đang kiềm giá và tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng. TPDN phát triển nóng đang được cảnh báo rủi ro về tính minh bạch. Do đó, kênh tiết kiệm tuy tăng lãi suất nhẹ nhưng vẫn có sức hút vì có tính an toàn. Song vẫn còn một số NH nhỏ thiếu hụt thanh khoản cục bộ, đồng thời tín dụng hồi phục mạnh mẽ, nên dù giảm nhưng lãi suất liên NH vẫn đứng ở mức cao (trên 2%), vì vậy cuộc đua lãi suất của các NH sẽ chưa dừng lại ở đây.
Dĩ nhiên, NH sẽ còn tích cực chạy đua huy động vì cầu tín dụng cho thấy xu hướng càng ngày càng tăng nhanh. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 đạt đến 13,53%. Trong công bố mới nhất của Tổng cục thống kê, tính tới ngày 21-3-2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 1,47% cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng đồng thời là mức tăng tín dụng quý I cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Năm 2022, chương trình hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế được mở cửa trở lại, nhu cầu về vốn trong 3 quý còn lại dự kiến rất lớn.
Trong bối cảnh tín dụng tăng mạnh, NHNN bắt đầu có động thái siết chặt những rủi ro liên quan đến tín dụng. Cụ thể, NHNN khẳng định trong bối cảnh lạm phát đang chịu áp lực tăng, sẽ điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, cũng như siết chặt vốn vào các lĩnh vực rủi ro.
Từng TCTD sẽ được thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên cơ sở kết quả hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh… 
Tuy nhiên còn 3 quý ở phía trước, khi cuộc đua huy động tăng trở lại, vốn đổ về kênh tiết kiệm, điểm hút vốn chính là lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay lĩnh vực khác vẫn còn là ẩn số. Chắc chắn với gói hỗ trợ lãi suất 2%, NH cũng sẽ triển khai cho DN sản xuất kinh doanh nằm trong danh sách ngành nghề lĩnh vực được ưu tiên tiếp cận vốn.
Song trên mặt bằng chung, cho vay những lĩnh vực có lãi suất cao như chứng khoán, BĐS và cả cho vay tiêu dùng cá nhân vẫn được các NH ưa chuộng, vì đó là cách để họ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2 con số như mục tiêu đề ra trong năm 2022. 
 Muốn định hướng vốn vào sản xuất kinh doanh, việc siết tín dụng của từng NH nên được NHNN sử dụng với tần suất cao hơn trong những tháng tới.

Các tin khác