Ngân hàng cũng “bắt trend”
Theo số liệu của NHNN, tính đến tháng 4, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị. Trong đó, giao dịch qua internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử (VĐT) đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhận định ngoài các giao dịch cà thẻ hay thanh toán qua POS, giao dịch chuyển khoản giữa 2 tài khoản cá nhân hiện nay rất phổ biến, như đi taxi, mua hàng hay dịch vụ ăn uống...
Tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt vài năm gần đây đã và đang tác động mạnh đến bước đi của các thành viên đang cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính. Như ĐTTC đã có bài ghi nhận, các VĐT hiện nay đang trên đường đua tiến tới việc trở thành siêu ứng dụng.
Đồng thời, xu hướng cũng đang phổ biến là các VĐT đang bắt tay với các nền tảng đa dịch vụ, hình thành các quan hệ đối tác chiến lược để tăng độ phủ sóng dịch vụ, gần nhất có thể kể đến là “cú bắt tay” giữa MoMo và Gojek.
Trước những động thái lớn như vậy, các NHTM luôn được xem là “anh cả” trong lĩnh vực tài chính cũng đang có những chuyển động rất lớn, với nhiều giải pháp mới lạ theo xu hướng của từng nhóm đối tượng để tăng lượng khách hàng.
Chẳng hạn cách đây 5 năm TPBank cho ra mắt LiveBank 24/7 -NH không ngủ, không nghỉ, không giờ hành chính. Mới đây, nhà băng này tiếp tục trình làng dịch vụ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam: sự kết hợp giữa mô hình NH tự động và cửa hàng tiện lợi dưới tên gọi NH tiện lợi LiveBank+ 24/7. Tại điểm giao dịch LiveBank+, ngoài các dịch vụ NH và thanh toán còn có các dịch vụ mới như cho thuê sạc dự phòng điện thoại, máy bán nước tự động với menu đa dạng, tủ giao nhận đồ thông minh (Ilogic).
Với Ilogic, các tín đồ mua sắm online chỉ cần cung cấp địa chỉ, hướng dẫn shipper để đồ vào đúng ngăn tủ của mình là có thể chủ động nhận hàng dù đang ở đâu. Việc mở/đóng ngăn tủ được chính chủ thực hiện thông qua kết nối trên smartphone với hệ thống của NH, cùng với hệ thống camera và đội ngũ bảo vệ giám sát 24/7.
Hay VIB vừa ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) trên MyVIB 2.0. Bật chế độ AR, quang cảnh thực được phủ lên một số vật thể ảo do smartphone tạo ra, mục đích nhằm biến các giao dịch tài chính khô cứng trở nên thú vị. Khi kích hoạt bàn phím MyVIB 2.0 Keyboard, người dùng còn có thể chuyển tiền trong các ứng dụng chat như Facebook Messenger, Zalo, iMess mà không cần phải mở app.
NamABank dự kiến tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái NH số như Robot OPBA, Open Banking và ONEBANK. Còn Eximbank đang áp dụng chính sách miễn phí sử dụng trọn đời cho khách hàng đăng ký mới gói giao dịch E - Plus Online Banking (IB+MB). Một số nhà băng còn mở rộng dịch vụ NH số dành cho doanh nghiệp, như Techcombank ra mắt ứng dụng Techcombank Business, BIDV với ứng dụng Omni BIDV iBank, SeABank với SeAMobile Biz…
Các dịch vụ liên quan đến mảng thẻ cũng tạo nhiều bất ngờ cho thị trường. Thí dụ, Vietcombank hỗ trợ điểm bán (đơn vị chấp nhận thẻ) đăng ký chuyển đổi trả góp cho sản phẩm thẻ tín dụng qua gần 30 NH liên kết, để khách hàng có thể chia nhỏ số tiền phải trả theo các kỳ hạn 3-12 tháng.
Tại MB, khách hàng có chi tiêu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ quốc tế trong tháng từ 1 triệu đến dưới 10 triệu đồng, sẽ được tặng khiên bảo vệ "Mất tiền MB đền" khỏi các rủi ro mất tiền với hạn mức 50 triệu đồng cho tháng kế tiếp.
Đường đua còn dài
Đường đua còn dài
Số hóa các dịch vụ đang là mục tiêu chung của các NHTM. Thống kê của NHNN cho thấy có tới 95% NH đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 80% đang số hóa các nghiệp vụ lõi và gia tăng tuyển dụng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này cho thấy hầu như NH nào cũng lấy số hóa làm trọng tâm trong bối cảnh lĩnh vực fintech phát triển với tốc độ chóng mặt.
Tuy nhiên, so với các công ty fintech, các NH luôn có độ trễ nhất định về mặt công nghệ, dẫn đến việc thị phần của các NH có xu hướng giảm, nhường lại cho các công ty fintech. Theo ông Reet Chaudhuri, chuyên gia cao cấp mảng thanh toán và giao dịch McKinsey & Company, ngành NH nên liên kết với các công ty fintech để cùng phát triển. Và theo Vụ Thanh toán NHNN hiện đã có tới 82% NH thực hiện chiến lược hợp tác với fintech để đa dạng hóa kênh cung ứng dịch vụ tài chính đến khách hàng.
Bên cạnh việc hợp tác với fintech, NH cũng tìm những lối đi riêng, nhất là trong bối cảnh vừa cạnh tranh trong mảng thanh toán với fintech, vừa cạnh tranh bán lẻ giữa các NH. Hiện nay, dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc.
Tỷ lệ dân số có thẻ tín dụng tại Việt Nam cũng chỉ khoảng 8-10%, trong khi tại Singapore 95%... Dư địa còn lớn đồng nghĩa với cơ hội còn rất nhiều và số hóa là điều kiện để chớp lấy cơ hội này.
Có thể lấy một điển hình là VIB, kênh bán hàng truyền thống và kênh số hóa cùng được đẩy mạnh trong nhiều năm gần đây. Song NH cho biết từ khi các sản phẩm như thẻ, tiền gửi, bảo hiểm được xây dựng quy trình 100% số hóa, kết quả đã có trên 91% giao dịch bán lẻ của VIB hoàn toàn thực hiện qua kênh số. Điều này cho thấy số hóa để đẩy mạnh bán lẻ là một hướng đi của tương lai.
Đồng thời, khi phát triển kênh số các NH sẽ có nhiều lợi ích, trước nhất là thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Theo một số khảo sát, số hóa giúp các NH tiết kiệm 60-70% chi phí và đến năm 2025 dự kiến có khoảng 1/3 doanh thu NH truyền thống được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới. Như vậy, ứng dụng số được xem là công cụ đắc lực giúp NH mở rộng thị phần, tăng lợi nhuận.
Dựa trên các định hướng về chuyển đổi số quốc gia, nhiều NHTM đang “đón gió” bằng cách chuẩn bị sẵn sàng các nền tảng phát triển, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến để có thể bắt kịp xu hướng của chính sách và thị trường. |