Nhà máy điện khí LNG tiến thoái lưỡng nan

(ĐTTCO) - Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được coi là nhiên liệu hóa thạch thân thiện nhất với môi trường, khi sinh ra lượng CO2 ít hơn 30% so với đốt dầu và 50% so với đốt than và không thải bụi. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Do đó, điện khí LNG đang được nhiều quốc gia hướng đến. Song xung đột Nga - Ukraine đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án điện khí LNG như đang “ngồi trên đống lửa”, khi giá nhiên liệu đầu vào liên tục tăng cao.
Giá tăng cao, nguồn cung hạn chế
Trong các báo cáo và nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA), đã nhắc tới việc giá LNG tăng từ 8,21USD/MMBTU (đơn vị đo lường khí) hồi tháng 1-2021 lên 24,71USD/MMBTU vào tháng 1-2022. Đặc biệt, cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến giá LNG trên thế giới biến động mạnh, vượt ngoài các dự đoán trước đó.
Theo Purva Jain, nhà phân tích của IEEFA, giá LNG giao ngay được dự báo ở mức trên 50USD/MMBTU từ nay đến tháng 9 và 40USD/MMBTU trong quý IV. Trước đó, các đánh giá của giới chuyên môn cũng cho thấy, năm 2022 sẽ chứng kiến bước ngoặt đối với các hợp đồng LNG tính trên cơ sở chỉ số dầu mỏ có xu hướng tăng mạnh.
Chỉ tính trong giai đoạn 10 năm (2011-2021), giá LNG trên thế giới đã có sự dao động khá lớn. Từ cuối 2011 đến đầu 2014, LNG có giá bán tương đối cao, đã có thời điểm giá bán LNG trung bình thế giới lên tới 17,24USD/MMBTU.
Đầu năm 2016, do tình trạng cung vượt cầu, giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm còn 4,05USD/MMBTU, nhưng đến cuối 2016 và đầu năm 2017, do thời tiết quá lạnh (đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ) giá LNG giao ngay lên tới 9,95USD/MMBTU. Giá LNG giao ngay trung bình năm 2016 được xác lập tại Đông Bắc Á là 5,52USD/MMBTU. Sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường sản xuất khí đốt năm 2019 lại khiến nguồn cung bị dư thừa, trong khi nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên ngay sau đó giá LNG đã lấy lại đà tăng.
Châu Á đang chiếm 3/4 lượng LNG nhập khẩu toàn cầu. Với đà phục hồi của nền kinh tế, các nước châu Á đang cạnh tranh với châu Âu trong việc nhập khẩu LNG (chủ yếu từ Mỹ). Hiện nay, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu LNG nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, dù nhu cầu tăng cao, song nguồn cung cho LNG chưa bao giờ đủ.
Ngoài Mỹ - quốc gia xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới, nguồn cung LNG hiện nay tại Australia, Nga, Qatar, Nauy… bị sụt giảm trong ngắn hạn. Các cơ sở LNG của Mỹ cũng như Australia, Qatar gần như đã hoạt động hết công suất, để mở rộng hoặc xây dựng mới phải mất vài năm. 

Điện khí trong nước ở thế lưỡng nan
Giá LNG tăng mạnh liệu có ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án điện khí LNG tại Việt Nam? 
Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại nước ta chưa có nhà máy điện khí LNG nào được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động, dù theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, một loạt nhà máy điện khí LNG đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã có kế hoạch triển khai thực hiện. Gần đây nhất, ngày 14-3-2022, mới có dự án điện LNG Nhơn Trạch 3 và 4, công suất 1.500MW (do PV Power đầu tư) được ký kết hợp đồng EPC với Samsung C&T và Lilama, để chuẩn bị khởi công.
Hiện nay có 9 nhà máy điện khí LNG được chấp nhận chủ trương đầu tư dưới hình thức nhà máy điện độc lập (IPP). Trong đó có 5 dự án đã có chủ đầu tư và có thể tiến đến bước đàm phán hợp đồng PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn các dự án lớn như LNG Long Sơn, LNG Cà Ná, LNG Long An và LNG Quảng Ninh vẫn chưa, hoặc mới công bố chủ đầu tư chính thức.
Trong khi đó, dự thảo Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương báo cáo ngày 21-2 gửi Chính phủ, dự kiến tới năm 2030 phát triển điện khí LNG đạt 38.830MW (bao gồm 23.900MW điện khí LNG được đầu tư mới và 14.930MW được chuyển đổi sang LNG do nguồn khí nội địa không đáp ứng được tiến độ cung cấp).
Con số này tới năm 2045 là 56.830MW điện khí LNG (bao gồm 41.900MW nguồn điện mới dùng khí LNG và 14.930MW điện khí LNG được chuyển đổi từ các dự án khí trong nước). 
Như vậy các nghiên cứu đề xuất điện khí LNG vào Quy hoạch điện VIII với các quy mô nói trên đang trong bối cảnh giá LNG đã liên tục tăng trong năm 2021 và đầu năm 2022, và chắc chắn sẽ tăng cao khi cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Đơn cử, dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy PTE.LTD (DOE) và các đối tác đầu tư (công nghệ tua bin khí chu trình kết hợp), có tổng công suất 3.200MW (4 tổ máy) được xây dựng tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; địa điểm kho cảng LNG nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu, cách vị trí nhà máy điện 35km. Dự án đã đề xuất thời gian khởi công vào năm 2020, đưa vào vận hành tổ máy 1 năm 2024, tổ máy 2 năm 2025, tổ máy 3 và 4 năm 2026. Sau khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 9 tỷ kWh/năm.
Ngày 15-8-2019, tại Văn bản số 24/BL-LNG gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (có gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương), nhà đầu tư DOE cam kết giá bán điện của dự án khoảng 7cent/kWh. Nhưng kế hoạch mới nhất của dự án này khởi công vào quý II-2022 và hiện tại vẫn chưa đàm phán được giá bán điện với EVN. 
Vậy với giá LNG tăng phi mã như hiện nay, giá bán điện từ nhà máy này sẽ được đàm phán với EVN ở mức nào? Vì nếu vẫn giữ giá bán 7cent/kWh như cam kết của chủ đầu tư chắc chắn nhà máy sẽ thua lỗ. Nhưng nếu bán ở mức giá cao hơn, EVN và người tiêu dùng không dễ gì chấp thuận.
Theo các chuyên gia, nhà máy điện khí LNG muốn bán điện ở mức giá 8-9cent/kWh, giá LNG đầu vào phải quanh mức 12USD/MMBTU. Song điều này rất khó, ít nhất trong bối cảnh hiện nay khi đầu vào của các dự án điện khí LNG phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. 
 Nếu giá LNG tiếp tục tăng cao sẽ không còn phù hợp để lựa chọn năng lượng này để tăng công suất phát cho hệ thống theo Quy hoạch Điện VIII. Có nghĩa sẽ dẫn đến nguy cơ làm suy yếu an ninh năng lượng nước ta trong dài hạn. Còn trước mắt, giá khí LNG tăng phi mã đang khiến nhiều nhà đầu tư bớt mặn mà với lĩnh vực này.

Các tin khác