Người lao động khó tạo dựng nhà ở
Thời gian qua, tỷ lệ tăng dân số cơ học ở TPHCM vẫn ở mức cao. Phần lớn người dân từ các tỉnh đổ về TPHCM không mua được nhà ở, mà phải ở trọ trong các khu nhà chật hẹp, thiếu nhiều điều kiện an toàn và vệ sinh. Cộng với số đã ở tại chỗ chưa có nhà, hàng năm, áp lực về nhà ở cho người dân ngày càng lớn.
Thực tế số nhà ở xây dựng mới tại TPHCM không nhỏ. Mới đây, UBND TPHCM đã có quyết định bổ sung 48 dự án nhà ở vào kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2020 (đợt 2), sau khi đã có hơn 160 dự án được cấp phép trước đó.
Các dự án được bổ sung vào kế hoạch giai đoạn trên có thời gian hoàn thành dự kiến từ năm 2020-2025. Các dự án này sẽ tăng thêm hàng triệu mét vuông nhà ở. Nhưng số nhà ở này phục vụ cho đối tượng nào, cần có sự khảo sát đầy đủ sau từng giai đoạn, để đánh giá thực chất số diện tích tăng thêm đáp ứng nhu cầu của người nghèo ra sao.
Căn hộ nhà ở xã hội tại chung cư HQC 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TPHCM) được rao bán công khai. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Hiện nay, số dự án nhà ở dành cho người nghèo và các dự án nhà ở xã hội được đầu tư không ít, nhưng một phần không nhỏ vào tay các nhà đầu cơ, mua đi bán lại nhiều lần mới đến tay người thực sự có nhu cầu, khi đó giá đã tăng cao. Một số người nghèo khác có nhà ở thì thực chất phải bằng nhiều cách để xây dựng tạm bợ hoặc không phù hợp quy hoạch, kể cả xây trái phép.
Trong điều kiện hiện nay, giả sử một cặp vợ chồng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng (đây có thể là mức thu nhập trên trung bình của những người nhập cư), có thể tích lũy mỗi năm được khoảng 100 triệu đồng. Với số tiền đó, trong vòng 10 năm, cặp vợ chồng đó hầu như không thể mua được nhà đất, trừ trường hợp làm liều bằng cách mua mảnh đất nhỏ bằng giấy tay, bằng cách nào đó xây tạm một căn nhà cấp 4 trái phép.
Đây lại là tình hình chung của phần đông công nhân và người lao động thu nhập thấp khác, nếu không có sự hỗ trợ của người thân. Trên thực tế, còn không ít người có thu nhập thấp hơn mức đó, nhất là với những người lao động tự do. Hoặc những người tuy có thu nhập khá nhưng phải nuôi thêm nhiều người phụ thuộc. Như vậy, nhà ở với họ càng trở nên khó khăn.
Cách nhìn nhận mới hơn về nhà ở
Để có giải pháp phù hợp về nhà ở, các cơ quan chức năng cần có thống kê đầy đủ và chính xác về tình trạng nhà ở tại từng thời điểm nhất định, ít nhất là 5 năm một lần. Đối tượng cần quan tâm trong thống kê này nên là người dân thường trú tại TPHCM, người đã sống, làm việc tại TPHCM từ 5 năm trở lên (tính đến thời điểm thống kê) và người có ý định sinh sống, làm việc lâu dài tại TPHCM, đang có công việc ổn định. Từ thống kê đó, sẽ cụ thể số người có nhu cầu nhà ở và dự báo được tương đối chính xác nhu cầu trong 5 năm tới.
Từ thực tiễn của TPHCM hiện nay, cần một sự nhìn nhận mới hơn về nhà ở. Nhà ở cho người dân không chỉ là sở hữu nhà ở, mà là một nơi ở ổn định, bảo đảm cơ bản các điều kiện về an toàn, vệ sinh và chất lượng sống.
Nhìn nhận như vậy, nhà ở cần đáp ứng cho người dân gồm: nhà ở có thể bán cho người dân để họ sở hữu và sử dụng vào mục đích ở (nhằm loại trừ số nhà dành mục đích cho thuê ngắn hạn, nhà để kinh doanh); nhà ở để bố trí (nhưng không hoặc chưa đáp ứng nhu cầu sở hữu) cho người dân; nhà ở cho người có nhu cầu thuê ở ổn định (5 năm trở lên chẳng hạn).
Đối với nhóm nhà ở thứ nhất, cần đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội và các dự án nhà giá rẻ khác, nhưng phải bảo đảm bán cho đúng đối tượng là người nghèo, người có thu nhập thấp và triệt để chống đầu cơ hay nạn mua đi bán lại. Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ về phí giao đất (tiền sử dụng đất), thuế cho các doanh nghiệp, đồng thời bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động về nhà ở phải dành một tỷ lệ đất và căn hộ nhất định nhằm phục vụ cho đối tượng người có thu nhập thấp.
Đối với nhóm nhà ở thứ hai, tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng các khu lưu trú bảo đảm chất lượng cho công nhân, bằng các chính sách về giao đất, thuế, phí… Khuyến khích một số doanh nghiệp đông công nhân nên có một tỷ lệ nhất định làm nhà lưu trú cho công nhân; chẳng hạn, với doanh nghiệp có 5.000 công nhân nên có khu lưu trú cho 10% người; doanh nghiệp có trên 10.000 công nhân nên có khu lưu trú cho 7% người…
Đối với nhóm nhà ở thứ ba, cần có yêu cầu về một số điều kiện tối thiểu cho chủ nhà (như điều kiện vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, diện tích tối thiểu đầu người, điện, nước sinh hoạt, giá cho thuê…) dành cho những người có nhu cầu thuê ở lâu dài. Những chủ nhà trọ nào đáp ứng và cam kết thực hiện các yêu cầu này có thể được hỗ trợ nhất định về thuế, các thủ tục gắn đồng hồ điện/nước… nhằm tạo điều kiện cho họ phục vụ tốt hơn người thuê.
Trong trường hợp nào cũng cần có các cuộc khảo sát toàn diện, khách quan, khoa học để đánh giá đúng thực trạng và nhu cầu nhà ở. Có như vậy, vấn đề này mới được nhìn nhận xác đáng. Và để có thêm điều kiện cho sự phát triển bền vững của TPHCM, vấn đề nhà ở của người nghèo phải được quan tâm một cách thực chất và có giải pháp căn cơ, phù hợp.