Sau mưa bất thường, chuẩn bị đón bảo
Theo báo cáo nhanh của TP Nha Trang, đến thời điểm này có 19 người chết, 2 người mất tích; số người chết tập trung nhiều nhất ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, qua tổng hợp từ các địa phương, đợt mưa lớn cũng đã khiến cho 63 căn nhà bị sập, hư hỏng, nhiều nhất là ở Nha Trang với 40 nhà. Diện tích lúa, hoa màu bị tàn phá trên 300ha, hơn 8.900 gia cầm bị thiệt hại. Về giao thông, sạt lở 10.000m3 đất đá đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông trên nhiều tuyến đường ở Khánh Hòa, trong đó có những tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, đại lộ Nguyễn Tất Thành, Quốc lộ 26. Đã vậy, tỉnh Khánh Hòa còn đối mặt với nguy cơ bão số 9 kề cận, nên chính quyền địa phương chỉ đạo một mặt khắc phục nhanh hậu quả hoàn lưu bão số 8 và ứng phó gấp với bão số 9.
Theo báo cáo nhanh của TP Nha Trang, đến thời điểm này có 19 người chết, 2 người mất tích; số người chết tập trung nhiều nhất ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, qua tổng hợp từ các địa phương, đợt mưa lớn cũng đã khiến cho 63 căn nhà bị sập, hư hỏng, nhiều nhất là ở Nha Trang với 40 nhà. Diện tích lúa, hoa màu bị tàn phá trên 300ha, hơn 8.900 gia cầm bị thiệt hại. Về giao thông, sạt lở 10.000m3 đất đá đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông trên nhiều tuyến đường ở Khánh Hòa, trong đó có những tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, đại lộ Nguyễn Tất Thành, Quốc lộ 26. Đã vậy, tỉnh Khánh Hòa còn đối mặt với nguy cơ bão số 9 kề cận, nên chính quyền địa phương chỉ đạo một mặt khắc phục nhanh hậu quả hoàn lưu bão số 8 và ứng phó gấp với bão số 9.
Lực lượng chức năng tập trung khắc phục lũ lụt
Nói về nguyên nhân đến thời điểm này chưa ai khẳng định chắc chắn, nhưng có thể nói những ngày qua tại Nha Trang có mưa bất thường. Đa phần người tử nạn đều do sạt lở núi, sập nhà. Các ngôi nhà nói trên đều nằm sát núi, nơi có độ dốc cao nên khi xảy ra xói lở gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thành Lợi, xã Phước Đồng, TP Nha Trang cho biết, tôi ở đây đã 50 năm nhưng chưa thấy năm nào cường độ mưa lớn và liên tục trong vòng 4-5 giờ liền. Vậy nên, nhiều vùng quê, chỗ xung yếu bà con không trở tay kịp.
Nỗ lực thông tuyến các tuyến đường.
Một vấn đề quan trọng hiện nay là giao thông đi lại. Theo ghi nhận của ĐTTC, giao thông trên địa bàn Khánh Hòa hiện đã tạm ổn, các tuyến giao thông đường không, đường bộ, đường sắt cơ bản thông tuyến. Trên đại lộ Nguyễn Tất Thành - tuyến huyết mạch nối TP Nha Trang đi sân bay quốc tế Cam Ranh, từ hôm qua đến sáng nay lực lượng chức năng đã huy động hàng trăm người và công cụ máy móc đến thông tuyến. Do khối lượng đất đá dày đặc, nên đến trưa cùng ngày tuyến này mới thông. Còn riêng đối với đường sắt Bắc - Nam, mặc dù tàu đã lưu thông trở lại, nhưng cơ quan chủ quản vẫn tiếp tục gia cố các điểm yếu, sụt lún.
Theo ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa, đến thời điểm này đường Nguyễn Tất Thành từ TP Nha Trang đi Sân bay Cam Ranh cơ bản đã thông tuyến, sau khi đơn vị huy động máy móc bốc dỡ hơn 12.000m3 đất đá. Hiện công tác khắc phục các điểm giao thông hư hại khác vẫn nhanh chóng triển khai để chuẩn bị tâm thế cho bão số 9 có nguy cơ tràn vào.
Tang thương gia đình thầy giáo
Tang thương gia đình thầy giáo
Những ngày tháng 11, khi Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11) cận kề, hàng ngàn giáo viên, người dân TP Nha Trang (Khánh Hòa) bàng hoàng, đau xót tiễn đưa gia đình một thầy giáo có 4 người chết về nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là gia đình thầy Trần Hoàng Phong, sinh 1985, giáo viên Trường CĐSP Trung ương Nha Trang. Trận lũ quét trên núi đổ ập xuống vào sáng ngày 18-11, khiến thầy Phong và hai con là Trần Nguyễn Hoàng Quân (sinh 2012) và Trần Phương Nhã Đan (2017) tử nạn tại chỗ. Thi thể 3 nạn nhân được người dân và lực lượng cứu hộ tìm thấy vùi sâu dưới đất đá hàng mét. Còn cô Nguyễn Thị Thủy (1985, vợ thầy Phong) được người dân phát hiện, đưa đi cấp cứu trong sáng cùng ngày. Nhưng 9 giờ sáng hôm sau, đã trút hơi thở cuối cùng.
Tang thương gia đình thầy giáo.
Thầy Phong gốc TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, còn cô Thủy quê Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cả hai đều học chung lớp, chung khoa tại Trường CĐSP Trung ương Nha Trang và cưới nhau khi ra trường. Tốt nghiệp ra trường, thầy Phong được giữ lại khoa giảng dạy, còn cô Thủy đi dạy một trường tại thị xã Ninh Hòa, cách nhà khoảng 35km. Cách đây không lâu, cô Thủy chuyển về Nha Trang dạy học tại một trường tư thục để được gần chồng gần con.
Vui hơn, khi mới đây thầy cô cất được căn nhà mới, làm tổ ấm riêng. Ngày làm lễ mừng nhà mới, người thân, đồng nghiệp, hàng xóm ai cũng mừng vui cho đôi vợ chồng trẻ. Niềm vui đó được nhân đôi khi bé Nhã Đan chào đời ngay chính ngôi nhà đầu tiên mà bố mẹ cháu dày công tích góp. Hàng xóm cho biết chỉ còn khoảng mười ngày nữa bé Nhã Đan tròn tuổi. Thầy Phong cô Thủy đang rục rịch chuẩn bị chuyện thôi nôi cho con. Nhưng ai ngờ, tai họa giáng xuống khiến cả nhà tử nạn.
Sau khi nghe gia đình thầy Phong gặp nạn, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong phường, TP đã ghé thắp nén nhang tiễn biệt họ. Căn nhà của ông Trần Kim Anh (bố thầy Phong) rộng chỉ khoảng 30m2, cách nhà thầy Phong bị sập vài trăm mét nhưng có đến 4 cái quan tài đặt chính giữa, khiến ai nhìn thấy cũng mủi lòng. Tại tang lễ, ông Trần Kim Anh cứ khóc, khóc mãi. Mỗi khi ai đó hỏi chuyện, chia sẻ hay chào từ biệt để ra về, ông nghẹn lời và hai tay cứ ghì chặt vào nhau. Nhìn thôi cũng biết ông đang nén nỗi đau vào lòng. “Chịu sao nổi khi mất đi con trai, con dâu và hai đứa cháu nội còn thơ dại” - bà Hồ Thị Vân, hàng xóm ông Trần Kim Anh, nói.
Làm rõ thủ phạm “hồ bơi vô cực”
Theo nhiều người dân, nguyên nhân khiến cả nhà thầy Phong chết oan là do vỡ hồ chưa nước từ dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú. Anh Ngô Văn Ửng (1978) ở gần khu vực sạt lở cho biết, anh sống 10 năm ở đây nhưng chưa chứng kiến cảnh nước đổ xuống bất chợt như hôm 18-11, khiến 4 người trong nhà thầy Phong chết và 10 căn nhà khác bị vùi lấp hoàn toàn. Nói về nguyên nhân, anh Ửng cho rằng, sáng 18-11, mưa như trút nước, anh thấy nước từ trên cao nơi dự án khu dân cư Hoàng Phú chảy thành dòng xuống nhà nên leo lên xem. Đến nơi, anh Ửng không tin vào mắt mình, khi chứng kiến một hồ nước khổng lồ ngay trước mắt, thành hồ đang rung lắc. Chỉ ít phút sau, khi anh Ửng vừa xuống khỏi vách núi và hô hoán mọi người thì hồ này vỡ.
Từ trên cao “Hồ bơi vô cực” của dự án Hoàng Phú vỡ
chảy thẳng xuống khu vực dân cư chôn vùi nhiều nhà dân.
chảy thẳng xuống khu vực dân cư chôn vùi nhiều nhà dân.
“Một số người khác chạy thoát được, riêng cả nhà thầy Phong thì không” - anh Ửng bùi ngùi. Còn ông Trần Huy Dũng, một người sống dưới chân núi từ nhỏ đến lớn tại đây cho hay, mỗi mùa mưa lũ nước trên núi sẽ tràn qua các khu dân cư, nhưng nước tràn dàn trải. Còn năm nay, nước bất thường đổ ập về là có nguyên do nào đó. Chúng tôi đề nghị điều tra rõ vụ hồ chứa nhân tạo trên nóc nhà dân là nguyên nhân chính gây thảm họa.
Sau khi khi sự việc xảy ra, nhiều cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc xác định nguyên nhân vụ gia đình thầy giáo chết thảm. Ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi kiểm tra chúng tôi phát hiện nhiều hạng mục tại dự án Hoàng Phú xây dựng không phép. Trong đó, hệ thống đường dẫn gom nước từ trên núi Cô Tiên xuống dự án, nhưng không cho chảy tràn qua dự án mà chạy thẳng xuống chân núi, có dân sống hiện hữu.
Nói về việc thi công hồ bơi vô cực tại dự án, ông Thọ cho biết trong quy hoạch 1/500, dự án này có hồ bơi, nhưng để thực hiện hồ bơi này chủ đầu tư phải có thiết kế bản vẽ chi tiết, phải được cơ quan chức năng cấp phép mới thi công. Tại thời điểm này, nếu nói chủ đầu tư đang thi công hồ vô cực chưa thể khẳng định, vì chúng tôi chưa cấp phép cho hạng mục này và chưa rõ chủ đầu tư múc đất tại đây để làm gì. Tuy nhiên, trong các hạng mục đã thi công tại dự án này, có phần thi công đường dẫn thoát nước mặt và múc đất tạo hố trũng, đây là hai yếu tố rất quan trọng, nhưng đến thời điểm chưa có cơ quan nào cấp phép.
Ông Thọ lý giải, mỗi khi nước trên nguồn chảy xuống với hệ thống đường dẫn dài từ trên núi cao, chắc chắn sẽ tạo nên lưu lượng dòng chảy khủng khiếp. “Nếu được cấp phép thi công, chắc không xảy ra hiện tượng nước chảy khủng khiếp như vừa rồi. Một lần nữa, tôi khẳng định trách nhiệm hoàn toàn thuộc chủ đầu tư” - ông Thọ khẳng định.
Những giáo viên “không Ngày 20-11”
Những giáo viên “không Ngày 20-11”
Trong mấy ngày qua, gác lại các chương trình tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều giáo viên tại TP Nha Trang khẩn trương dọn bùn, lau dọn phòng ốc để học sinh của mình được đến trường. Trên những con phố, những điểm bán hoa hồng nhân Ngày 20-11 năm nào giờ vắng bóng. Ít thấy cảnh học sinh nối từng hàng, tay cầm những giỏ hoa tươi thắm với nét mặt rạng ngời đi thăm thầy cô. Hàng ngàn giáo viên tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lội bùn quét trường trong ngày trọng đại của mình, ngày mà đáng ra các thầy cô giáo được nghỉ ngơi, nhận những lời chúc từ học sinh, phụ huynh và cả xã hội. Ngày vui ấy các thầy các cô biến thành ngày lao động, nhưng nó thật đặc biệt để những ngôi trường sớm sạch sẽ.
Giáo viên các trường học dọn dẹp vệ sinh trường học.
Đáng ra hôm nay chính là ngày Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa kỷ niệm 70 năm thành lập trường. Khi các chương trình đã đâu vào đó thì mưa lũ ập đến. Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa nằm ở xa trung tâm, lại chính là nơi hứng chịu mưu lũ nhiều nhất tại TP Nha Trang vừa qua. Khi mưa ngớt, trường chính trị ngập trong bùn đất, các thầy cô giáo từ hiệu trưởng đến giáo viên, nhân viên của trường từ mấy ngày qua đầu tắt mặt tối lo dọn dẹp.
Có mặt tại điểm Trường tiểu học Phước Đồng, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, những nữ giáo viên ở đây không mặc áo dài, giáo viên nam không quần tây áo sơ mi, cà vạt để đón chào học sinh trong ngày dành riêng cho mình. Những thầy cô ở đây trong những bộ đồ ngày thường, tay không cầm hoa mà là chổi, cuốc, xẻng và những vật dụng khác để dọn lớp bùn dày hơn 5 phân bám đầy trên khuôn viên nhà trường. Cô Trương Thị Bích Nguyệt, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, sáng 19-11, mưa lớn trường ngập hơn nửa mét. Sau khi nước rút lộ lớp bùn dày hơn 5 phân. Ông Trần Nguyên Lập, Trưởng phòng GD-ĐT Nha Trang, mưa lũ vừa qua nhiều điểm trường TP bị thiệt hại nặng, nhưng thay vì chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tất cả thầy cô thành phố đều tập trung để dọn bùn đất, sớm đón các em đến trường. “Mình thấy thương các cô, các thầy trong ngày vui. Nhưng khi hỏi tâm trạng các thầy cô, họ bảo vui vì đây là ngày lao động đặc biệt, vui hơn vì sớm đem khuôn viên sạch đẹp trở lại cho học sinh” - ông Lập chia sẻ.