Tuy nhiên, sự cạnh tranh của kênh gửi tiết kiệm để hút tiền nhàn rỗi cũng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, vàng và USD đã từng là kênh đầu tư nóng trong nhiều năm trước lại là những kênh kém hấp dẫn trong thời điểm này.
CK và BĐS sáng giá
Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư phải đạt được 3 mục đích là bảo toàn vốn, sinh lời và có tính thanh khoản mới có hiệu quả. Đặt trong mục tiêu đó, 2 kênh đầu tư được đánh giá nổi bật trong năm 2018 là kênh BĐS và kênh CK. TTCK năm 2017 tăng trưởng rất tốt, bước qua đầu năm 2018 có một số biến động nhưng VNIndex cũng đã lên trên 1.000 điểm và còn tiềm năng rất lớn.
Kênh BĐS hiện nay cũng được nhìn nhận tích cực, bởi năm 2017 đã ấm trở lại. Dòng tiền vào thị trường này cũng tăng trưởng mạnh hơn so với các năm trước đó, dư nợ tín dụng và kinh doanh BĐS chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ, đồng thời nguồn vốn ngoại vào thị trường này cũng gia tăng. Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS còn có nhiều điều kiện để phát triển trong năm 2018 nhờ các chính sách mới về quy hoạch, tín dụng và dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng đổ về.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cho biết thêm, năm 2017 BĐS phát triển và năm nay cũng sẽ tiếp tục đà phát triển tốt, nhưng luôn luôn đi theo một chu kỳ và không thể nào lên mãi được, giá BĐS đến một lúc nào đó sẽ chững lại và đi xuống. Bởi khi giá lên khuyến khích rất nhiều nhà đầu tư xây dựng BĐS, nhưng nếu họ xây quá nhiều, vượt nhu cầu sẽ trở thành dư thừa, đưa thị trường BĐS vào chu kỳ đi xuống, do đó nhà đầu tư cần cẩn thận khi tham gia kênh này, tránh những phân khúc có nguồn cung dư thừa.
Năm nay, phân khúc căn hộ, nhà ở người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp là phân khúc tiếp tục tăng trưởng. Những sản phẩm có giá từ 1-5 tỷ đồng là phân khúc nên quan tâm còn phân khúc nhà ở cao cấp có thể đầu tư được nhưng cần phải cẩn thận.
Ảnh minh họa.
Gửi tiết kiệm ra sức cạnh tranh
Cạnh tranh với 2 kênh đầu tư nói trên trong năm nay còn có kênh gửi tiết kiệm. Hiện nay, mức lãi suất kỳ hạn ngắn 1-5 tháng tại hầu hết các NHTMCP đều được điều chỉnh lên mức trần 5,5%/năm. Đồng thời, cuộc đua lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng ngày càng gay gắt. Để hút vốn, hàng loạt NH đang cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền như Kienlongbank cộng thêm 0,3% cho tất cả các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên, PVCombank cộng thêm lãi suất từ 0,05-0,2% cho khoản tiền gửi từ 30 triệu đồng gửi kỳ hạn tối thiểu 6 tháng.
Với kỳ hạn từ 24 tháng đến 60 tháng, các NH áp dụng lãi suất trên 8%/năm ngày càng phổ biến. Tại VietcapitalBank, gửi kỳ hạn 15 tháng áp dụng lãi đến 8,3%/năm và gửi kỳ hạn 18 tháng được hưởng lãi đến 8,5%/năm. VIB cũng đang có chương trình khuyến mại tiền gửi với lãi suất lên đến 8,7%/năm.
Bắt đầu từ năm 2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống chỉ còn 45%, nên nhu cầu huy động vốn dài hạn để có thể đáp ứng tỷ lệ này vẫn rất lớn. Do đó, lãi suất tiết kiệm dự báo vẫn khó hạ nhiệt trong năm nay.
TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM nhận định, tùy theo điều kiện tài chính và mục tiêu, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn các kênh đầu tư khác nhau nhưng nếu muốn đảm bảo an toàn vốn, gửi tiết kiệm là một lựa chọn tương đối an toàn và sinh lời khá tốt trong thời điểm hiện tại. Song bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo người gửi tiền khi chọn NH gửi tiền ngoài việc nhìn vào lãi suất nên chọn những NH uy tín để đảm bảo an toàn cho khoản tiền gửi.
Vàng, USD kém hấp dẫn
Vàng, USD kém hấp dẫn
Năm 2017, tỷ giá USD/VNĐ khá ổn định. Tính đến tháng 12-2017, tỷ giá trung tâm ước tăng khoảng 1,5-1,7% so với đầu năm. Năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định, do có nhiều yếu tố hỗ trợ, như cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư, dòng vốn nước ngoài vẫn có xu hướng tích cực.
Tuy nhiên, tần suất tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) trong năm 2018 sẽ nhiều hơn tạo kỳ vọng đồng USD tăng giá trở lại. FED được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2018, với lộ trình dần dần đưa lãi suất cơ bản về mức 3%. Do đó, tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh tăng khoảng 1,5-2% để lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, đây là kênh đầu tư kém hấp dẫn nhất trong năm nay, vì NHNN vẫn tiếp tục mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp tình hình thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Trong hơn một tháng đầu năm 2018, NHNN đã mua vào hơn 4 tỷ USD nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục mới 57 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối lớn là cơ sở để NHNN can thiệp ổn định thị trường khi cần thiết.
Năm nay, giá vàng có thể biến động nhiều hơn năm 2017 nếu những biến cố khủng hoảng về quân sự ở bán đảo Triều Tiên nổ ra sẽ đẩy giá vàng lên rất cao. Song giá vàng cũng đối mặt với những yếu tố bất lợi như FED tăng lãi suất sẽ làm tăng giá trị đồng USD và đẩy giá vàng xuống. Cùng với sự biến động phức tạp và khó dự đoán của giá vàng thế giới, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thường xuyên ở mức cao, đầu tư vàng mặc dù là một kênh có thể xem xét nhưng cần hết sức thận trọng.