Nhận diện thủ thuật “làm đẹp, xào nấu” BCTC

(ĐTTCO)-Luật Chứng khoán sửa đổi mới đây được Quốc hội thông qua nhằm ngăn chặn giao dịch nội gián, thao túng giá cũng như các vi phạm công bố thông tin. Tuy nhiên, để phát hiện cũng như có thể đưa các điều khoản, khung, mức phạt đối với những vi phạm liên quan đến làm giả số liệu, thao túng báo cáo tài chính (BCTC) không hề dễ dàng.
Nhận diện thủ thuật “làm đẹp, xào nấu” BCTC
 Do vậy khi còn “tranh tối, tranh sáng” các nhà đầu tư (NĐT) trước khi giải ngân cần phải trang bị kỹ năng phân tích và đọc BCTC.
TTCK nào cũng có 
Thực ra các hành vi thao túng BCTC là điều mà các cơ quan chức năng, các thành viên tham gia trên thị trường chứng khoán (TTCK) đều nhận thức nhưng không thể tránh khỏi. Hành vi làm đẹp số liệu kinh doanh không ngoài mục đích “làm giá cổ phiếu”, thoát hàng…
Không phải chỉ riêng trên TTCK Việt Nam mà cả trên các TTCK thế giới, đặc biệt là TTCK phát triển như Mỹ các hành vi làm giả số liệu với mục đích làm đẹp sổ sách, đánh lừa các chuyên gia phân tích chứng khoán, qua mặt các đơn vị kiểm toán, và cuối cùng là chính các NĐT “ngây ngơ” mua vào những cổ phiếu “tốt về mặt hình thức” để rồi chịu thua lỗ.
Còn nhớ bong bóng dot.com giai đoạn 2000 – 2002, đã khiến TTCK Mỹ giảm điểm mạnh, các doanh nghiệp (DN) lớn với quy mô vốn hóa khổng lồ, có danh tiếng đã liều lĩnh làm đẹp số liệu báo cáo, đánh lừa NĐT bởi tương lai kinh doanh khởi sắc như Worldcom, Enron, Xerox…
Ngay cả các đơn vị định mức tín nhiệm uy tín cũng vì lòng tham bởi mức phí hoa hồng lớn đã bỏ qua các sai phạm, kể cả đơn vị kiểm toán hàng đầu thế giới Arthur Andersen cũng phải trả giá đắt là phá sản khi bỏ qua các sai phạm của các DN niêm yết (DNNY).
Trên TTCK Việt Nam với hơn 2.000 DNNY hiện nay, hiện tượng làm đẹp số liệu hay thực hiện các thủ thuật với mục tiêu làm sai lệch số liệu không phải là ít. Quá nhiều các DN đã vi phạm các chuẩn mực, quy tắc kế toán như JVC, TTF, DVD, FID, CDO, TNT, KSA, FTM…
Hành vi sai trái của các lãnh đạo DN không chỉ mục đích thoát hàng trên thị trường, gây mất hình ảnh DN mà còn khiến giá cổ phiếu tụt dốc thảm hại. NĐT cá nhân, công ty chứng khoán (CTCK) và các NĐT tổ chức cũng bị thiệt hại nặng khi bị dính, ngay cả các quỹ đầu tư, CTCK hàng đầu Việt Nam như Dragon Capital, Vinacapital hay SSI, VCSC đều vẫn vướng phải những DN “yếu kém” được làm đẹp BCTC. 
Thực tế hiện tượng thao túng BCTC, quản trị thu nhập, “làm đẹp” dòng tiền, thủ thuật làm gia tăng khả năng vay & trả nợ của DN, thủ thuật gia tăng hiệu quả sử dụng tài sản, thủ thuật che giấu lỗ hay làm thỏa mãn kỳ vọng của NĐT không phải mới đối với TTCK Việt Nam.
Trong mỗi thời kỳ các động thái thao túng đều thể hiện ở hình thức này hay hình thức khác và mức độ vi phạm nặng nhẹ khác nhau, với mục tiêu chính là che giấu tình trạng tài chính cũng như khả năng tạo doanh thu, triển  vọng của DN. 
Chúng ta cũng sẽ đi sâu vào phân tích các thủ thuật thao túng BCTC để giúp các NĐT có góc nhìn đánh giá chính xác hơn về thực trạng của mỗi DN trước khi đầu tư. 

Thao túng BCTC, con dao 2 lưỡi
 Các NĐT cũng cần có hiểu biết cơ bản liên quan đến đọc hiểu BCTC để có thể hạn chế được những thiệt hại mà khi giá cổ phiếu của các DN vi phạm “bị phát hiện” rơi mạnh. 
Các thủ thuật làm mượt số liệu, làm đẹp BCTC hay các hiện tượng “xào nấu” BCTC (Cooking financial statement) được thực hiện tương đối tinh vi, và trong nhiều trường hợp rất khó phát hiện.
Do vậy NĐT cần phải có đủ kiến thức thực tế cũng như kinh nghiệm mới có khả năng nhận ra được những hành vi này. Dù rằng hành vi thao túng BCTC bị nghiêm cấm và DN sai phạm sẽ đối mặt với nhiều hình phạt, cả dân sự cũng như hình sự kèm theo các mức phạt tiền, nhưng không đủ để răn đe ban lãnh đạo của các DNNY thực hiện các sai phạm. 
Nên nhớ ở mỗi giai đoạn TTCK bước vào giao dịch tích cực sẽ là lúc các hoạt động IPO, niêm yết lần đầu ra công chúng của các cổ phiếu sẽ càng nhộn nhịp như giai đoạn 2005-2006, 2009, 2014-2015, 2016, và đầu 2018…
Hoạt động niêm yết mới sẽ được thực hiện thành công hơn khi mà thị trường đang đi lên. Tâm lý NĐT hào hứng hơn và tất nhiên các CTCK tư vấn cũng sẽ định giá các DN với mức giá “hào phóng” với các giả định tăng trưởng của DN, giá trị tài sản…không quá nhiều chính xác. Đây chính là lúc mà các hoạt động làm mượt số liệu của DN dễ thực hiện nhiều nhất. 
Đối với các DN đang có các hoạt động ổn định, nhưng vì 1 lý do nào đó hoặc tình hình kinh doanh đi xuống kèm với các kết quả kinh doanh trở lên tiêu cực, thì việc điều chỉnh số liệu, kéo dài khấu hao, book sớm lợi nhuận hoặc giấu lỗ cũng sẽ được thực hiện, để tránh thị trường đánh giá kém ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Nhiều DN gặp khó khăn sẽ dùng các thủ thuật quản trị thu nhập, điều chỉnh giảm chi phí hoạt động, tăng lợi nhuận để không bị lỗ, tránh bị Ủy ban chứng khoán nhà nước cho vào diện cảnh báo, từ đó bị các CTCK cắt cho vay margin.
Rõ ràng việc điều chỉnh số liệu, điều chỉnh thời điểm ghi nhận doanh thu/lợi nhuận đối với DN là tương đối dễ dàng, các NĐT hay nghe ngóng tin tức, tin DNNY để giao dịch cũng sẽ mắc bẫy. Các NĐT vẫn thường nói “tin ra là bán”, cũng phần nào phản ánh việc giá cổ phiếu đã biến động trước khi có thông tin chính thức được công bố trên thị trường.
Nên nhớ rằng, ngay cả các công ty lớn, các công ty có danh tiếng được các NĐT tin tưởng tuyệt đối cũng có lúc sai phạm. Các đơn vị định giá xếp hạng tín nhiệm các DN cũng có thể bị mờ mắt bởi các khoản mục “lót tay” hậu hĩnh để nhắm mắt làm ngơ trước những DN có kết quả kinh doanh tệ hại. Đồng lõa với những hành vi sai trái của các DN, vai trò của các đơn vị kiểm toán cũng được đặt lên bàn cân khi chúng ta trao đổi về việc bỏ qua các chi tiết “nhạy cảm” chỉ ra trong BCTC. 
Đừng quên rằng, hành vi thao túng BCTC cũng là con dao 2 lưỡi đối với các DN dám đùa với lửa, bởi việc “cooking” các số liệu tài chính chỉ có thể qua mặt được các cơ quan quản lý cũng như các NĐT không chuyên ở một thời gian nhất định, nhưng về lâu dài sẽ không thể che giấu được bởi các nhà phân tích tài chính có kinh nghiệm.
Một khi các vụ việc bị phát hiện hoặc vỡ lở sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh DN, uy tín ban điều hành và đặc biệt là DN đó sẽ bị các NĐT, cổ đông tẩy chay, ảnh hưởng đến giá trị của DN.

Một số hành vi thao túng thu nhập của các DN
 Ngay cả các công ty lớn, các công ty có danh tiếng được các NĐT tin tưởng tuyệt đối cũng có lúc sai phạm. Các đơn vị định giá xếp hạng tín nhiệm các DN cũng có thể bị mờ mắt bởi các khoản mục “lót tay” hậu hĩnh để nhắm mắt làm ngơ. Đồng lõa với những hành vi sai trái của các DN, vai trò của các đơn vị kiểm toán cũng bỏ qua các chi tiết “nhạy cảm”. 
Thứ nhất, ghi nhận doanh thu quá sớm, ghi nhận doanh thu trước khi hoàn thành bất kỳ nghĩa vụ nào theo hợp đồng; Ghi nhận doanh thu vượt quá công việc đã hoàn thành hợp đồng; Ghi nhận doanh thu trước khi người mua chấp nhận cuối cùng sản phẩm; Ghi nhận doanh thu khi thanh toán từ người mua vẫn không chắc chắn hoặc không cần thiết.
Một trong những tín hiệu đáng lưu ý đó là các khoản phải thu tăng mạnh. Điều này khó có thể qua mắt các chuyên gia hay các NĐT có kinh nghiệm. Hoạt động ghi nhận doanh thu sớm có thể quan sát nhiều nhất ở các công ty bất động sản, công ty kinh doanh địa ốc. Đó là hạch toán doanh thu từng phần hay toàn bộ dự án, số lượng căn hộ đã bán đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận trong kỳ.
Thứ hai, ghi nhận doanh thu ảo. Hoạt động mua bán hàng hóa, sản phẩm không có hợp đồng kinh tế hoặc có thể điều chỉnh nội dung với việc không chắc chắn khả năng thanh toán từ phía khách hàng. Kỹ thuật này thông thường liên quan đến các giao dịch bán hàng cho một bên liên quan, bên liên kết, công ty hoặc đối tác liên doanh. Điển hình là các giao dịch mua bán sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải là truyền thống của DN.
Hoạt động ghi nhận doanh thu ảo cũng có thể đến từ ghi nhận tiền mặt nhận được từ người cho vay, đối tác kinh doanh hoặc nhà cung cấp như doanh thu. Đặc biệt, khi đọc BCTC NĐT có thể để ý tới các khoản phải thu (đặc biệt là dài hạn và không thanh toán) ngày càng tăng nhanh hơn nhiều so với doanh số. 
Thứ ba, chuyển chi phí cùng kỳ sang kỳ hoạch toán sau đó. Đây là 1 trong những kỹ thuật điều chỉnh chi phí làm tăng lợi nhuận phổ biến. Điều chỉnh chi phí khấu hao kéo dài làm giảm chi phí cùng kỳ và qua đó làm tăng lợi nhuận. Một thiết bị, nhà xưởng có chi phí kéo dài 5 năm và DN phải trừ khấu hao hàng năm, thì việc kéo dài thời gian khấu hao lên 10 năm sẽ làm giảm chi phí phải trả của DN.
Ngoài ra, kỹ thuật không ghi điều chỉnh giá trị tài sản hàng năm khi mà giá trị tài sản suy giảm cũng là thủ thuật quản trị lợi nhuận. Việc không ghi nhận chi phí của các khoản phải thu khó đòi hay các khoản đầu tư mất giá cũng là kỹ thuật chuyển dịch chi phí, làm giảm tổng chi phí và làm tăng lợi nhuận.
Rất nhiều các kỹ thuật làm đẹp dòng tiền, làm đẹp chi phí khác khiến các BCTC của các DN tỏ ra hấp dẫn hơn mà các NĐT cẩn trọng cần chú ý. Dù thế nào đi nữa, cho dù Luật Chứng khoán, các quy định, công việc kiểm toán viên có chặt chẽ thế nào đi nữa vẫn có nhiều trường hợp DN cố tình vi phạm cũng như sử dụng các hành vi “cook” sổ sách.  

Các tin khác