Việt Nam đang phát triển kinh tế tư nhân nên có rất nhiều dạng núp bóng hoạt động này.
Chẳng hạn, ở khu vực Tây Nam bộ vừa xảy ra vụ việc rửa hơn 200 triệu USD. Đối tượng rửa tiền có công ty riêng đăng ký tài khoản và đưa tiền vào một ngân hàng có uy tín. Nếu không bị phát hiện, đối tượng sẽ tiến hành đầu tư vào các dự án ở Việt Nam, trở thành công ty đầu tư và nghiễm nhiên số tiền đó trở thành tiền sạch.
Phát triển thị trường tài chính và trở thành trung tâm tài chính đang là mục tiêu và chiến lược của các quốc gia mới nổi. Đây là chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn.
Bởi chỉ khi thị trường tài chính đạt đến mức độ phát triển nhất định, nguồn vốn từ giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư mới được lưu thông hiệu quả đến các chủ thể có nhu cầu sử dụng vốn trong nền kinh tế, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, chất xám và kinh nghiệm quản lý.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng đồng thời thu hút giới tội phạm tài chính, những người hiểu rõ nhu cầu vốn tại các thị trường mới nổi, cũng như tính sơ khai của các biện pháp nhận diện và phòng thủ trước tội phạm tài chính của các thị trường này. Đó là bài toán đặt ra.
Thị trường tài chính thường được ví von giống như một khu chợ, nên ngoài việc buôn bán cần phải biết ai là người mang tiền đến giao dịch ở chợ. Bản chất của thị trường tài chính phát triển nhằm có lợi cho nền kinh tế quốc gia, con người của quốc gia đó.
Nhưng nếu nhà đầu tư lại là nhà rửa tiền chuyên nghiệp sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Bởi tội phạm rửa tiền không quan tâm đến sự phát triển của nền kinh tế, chỉ quan tâm đến tiền được rửa như thế nào và rửa tiền càng nhiều càng tốt. Hoạt động của họ sẽ cản trở sự phát triển của thị trường tài chính, thông qua việc tạo sự xói mòn trong tính minh bạch và đổ vỡ về tính toàn vẹn của thị trường.
Vì vậy, nếu Việt Nam không có giải pháp phòng chống rửa tiền ngay lúc này, về sau rất dễ trở thành bình phong cho các nhóm rửa tiền, như các quốc gia đang phát triển khác đã từng gặp phải.
Theo chuyên gia Hung Tran, các ngân hàng của Việt Nam gần như không có khả năng nhận diện và phòng thủ tội phạm tài chính. Đến năm 2030 giả sử thị trường tài chính và nền kinh tế Việt Nam phát triển quy mô lớn, Mỹ và EU sẽ không xem Việt Nam là nước nhỏ nữa.
Khi đó, họ sẽ có những biện pháp áp đặt các lệnh trừng phạt vào cá nhân, doanh nghiệp, định chế tài chính và chính phủ, nếu Việt Nam là thiên đường cho giới rửa tiền. Các lệnh trừng phạt được triển khai qua việc hạn chế hoặc cấm các giao dịch tài chính và kinh doanh, chuyển tiền và di chuyển, tạo ra nhiều hạn chế cho chính phủ và doanh nghiệp trong việc tự quyết định chính sách và chiến lược.
Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược trở thành trung tâm tài chính của Việt Nam, nơi nguồn vốn và các giao dịch phải lưu thông 2 chiều từ ngoài vào nền kinh tế và ngược lại.
Giải pháp để đối phó với vấn đề này là thành lập cơ quan chuyên trách về hành vi tài chính thực hiện chức năng giám sát và quản lý, tạo tiền đề nâng cao sức phòng thủ tội phạm tài chính; sửa đổi bổ sung bộ luật phòng chống tội phạm tài chính và phòng chống tham nhũng.
Đồng thời, Việt Nam nên làm việc chặt chẽ với các tổ chức đánh giá về tính minh bạch và các tổ chức phòng chống tội phạm tài chính trên thế giới, từ đó hình thành những định hướng cho chính sách.
Nhận diện để phòng thủ tội phạm tài chính hiệu quả sẽ giúp giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính nhận thấy những thay đổi trong môi trường kinh doanh và tài chính của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn vốn, cũng như công nghệ, chất xám và quy trình quản lý tiên tiến được đưa về nước.