Sự hợp tác giữa Thaco và HAGL đặt mục tiêu liên doanh này trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, bao gồm nghiên cứu phát triển, nông trường mẫu, sản xuất vật tư nông nghiệp, nhà máy chế biến trái cây; phân phối và xuất khẩu trái cây ra thị trường nước ngoài. Những sản phẩm nông nghiệp của Thaco - HAGL chú trọng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, tạo sự đột phá để nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thực ra trên bản đồ nông nghiệp thế giới nhiều năm qua, Việt Nam luôn xếp top đầu các quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, các loại trái cây, cây công nghiệp và thủy sản… Tuy nhiên, hầu hết nông sản Việt được xuất khẩu dưới dạng thô; hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý (thông tin về nguồn gốc của hàng hóa như địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ hàng hóa được sản xuất) và thương hiệu địa phương chưa được chú trọng đúng mức.
Nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp chưa quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản, và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế. Hiện nay gần 80% nông sản Việt chưa có thương hiệu và 90% lượng nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới dưới nhãn hiệu của nước ngoài.
Trong hơn 900 sản phẩm gắn với 700 địa danh trên cả nước, chỉ 50 sản phẩm đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia.
Chính vì thế, việc các doanh nghiệp lớn liên kết đổ vốn vào các dự án chế biến để hình thành chuỗi sản xuất khép kín và tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng tầm thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế. Ngoài những ông lớn đổ vốn làm nông nghiệp thành công như Vingroup, TH, FLC Doveco… và mới đây là Tập đoàn T&T Group cũng bước chân vào nông nghiệp với dự án có quy mô vốn tới 3.300 tỷ đồng tại Quảng Nam.
Dự án của T&T có tổng diện tích đất sử dụng hơn 278ha, thời hạn hoạt động 50 năm, thực hiện qua 3 giai đoạn, từ quý I-2019 đến quý IV-2024. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, khu hỗ trợ sản xuất. Theo kế hoạch, đến năm 2024 dự án sẽ hoàn thành toàn bộ và đưa vào hoạt động.
Một tổ hợp dự án ngành nông nghiệp khác cũng đang được Công ty TNHH Thương mại chế biến nông, lâm sản Đường Vạn Phát, triển khai xây dựng tại xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, Gia Lai). Với tổng mức đầu tư hơn 375 tỷ đồng. Công ty Đường Vạn Phát xây dựng một khu liên hợp có diện tích gần 40ha, gồm: Nhà máy sản xuất sirô cô đặc; Nhà máy sản xuất chế biến đường và sản xuất tinh bột mì; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc; Nhà máy sản xuất phân vi sinh tổng hợp.
Để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, Công ty Đường Vạn Phát đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía 6.000ha và vùng nguyên liệu mì 12.000ha… Hay đầu tháng 3 này, lãnh đạo Tập đoàn Nafood đã có chuyến đi khảo sát tại tỉnh Bình Thuận để tính toán xây dựng một nhà máy chế biến thanh long xuất khẩu, giúp địa phương giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị quả thanh long.
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành. Sau khi chạm mốc 40 tỷ USD, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đặt mục tiêu xuất khẩu kỷ lục trong năm 2019 với kim ngạch 42-43 tỷ USD.
Kỳ vọng này là có cơ sở, khi các dòng vốn lớn của các đại gia Việt đang chuyển động mạnh vào lĩnh vực chế biến nông sản, tăng giá trị cho ngành nông nghiệp để tiến gần đến top 10 thế giới. Và thời gian thực hiện mốc xuất khẩu 50-60 tỷ USD sẽ rút ngắn hơn, khi vốn chảy vào nông nghiệp được cụ thể hóa bằng các dự án sản xuất hiệu quả.