Nhập khẩu xăng dầu tăng gấp 3 lần

(ĐTTCO) - Ngày 3-3, Bộ Công thương đã cung cấp báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022. Theo báo cáo, trong tháng 2, lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam đạt 1,45 triệu m3, tăng gấp 3 lần so với các tháng thông thường.
Cùng với lượng tồn tháng 2 là 1,3 triệu m3 và lượng mua từ sản xuất trong nước, tồn kho gối đầu trong tháng 3-2022 khoảng 1,6-1,8 triệu m3, Bộ Công thương cho rằng nguồn cung xăng dầu cho thị trường từ các nguồn trong quý 1-2022 được bảo đảm.

Nhập khẩu xăng dầu tăng gấp 3 lần ảnh 1

Người dân đổ xăng tại cây xăng Petrolimex trên đường Bến Vân Đồn quận 4, TPHCM vào chiều 3-3. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sau khi làm việc với các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương thống nhất sẽ đảm bảo tổng nguồn cung xăng dầu trong quý 2-2022 theo phương thức phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các thương nhân kinh doanh đầu mối. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế. Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5-2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 6 tháng cuối năm 2022.

Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ năm 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp, nhằm bảo đảm tính đúng tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các loại hàng hóa do nhà nước quản lý. Phối hợp thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.

Các tin khác