120 cơ hội việc làm/100 người tìm việc
Khi đại dịch Covid-19 tấn công Nhật Bản, Mari Nagata, 38 tuổi, bà mẹ đơn thân đang làm việc trong một nhà hàng chuyên kinh doanh đồ ăn mang đi, đã rất lo lắng. Trường học của con bị đóng cửa và sẽ rất gay go cho cả 2 mẹ con nếu chị bị ốm. May mắn, Nagata và đa số người lao động Nhật Bản không phải lo mất việc như hàng triệu người lao động trong ngành dịch vụ của Mỹ.
Thực tế, số liệu thất nghiệp ở Mỹ và Nhật Bản có khoảng cách rất lớn. Ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt trong 3 tháng qua, đạt mức cao nhất gần 15% trong tháng 4 và đứng ở mức 13,3% trong tháng 5. Đó là mức cao nhất kể từ Đại suy thoái, tăng gần gấp 4 lần so với tháng 2 (3,5%). Trong khi đó, ở Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp hầu như không tăng. So với tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 chỉ tăng 0,2%, lên 2,6%. Hơn nữa, tiền lương và giờ làm việc vẫn tương đối ổn định.
Điều đó không có nghĩa nền kinh tế Nhật Bản không bị thiệt hại. Sản lượng giảm 2,2% trong 3 tháng đầu năm, đẩy đất nước vào suy thoái. Dữ liệu từ tháng 4 đến nay cho thấy bức tranh tiếp tục tối màu hơn. Nhưng một “lưới đỡ”, được dệt bằng các yếu tố xã hội, nhân khẩu học và dịch tễ học ở Nhật Bản đã khiến tình trạng sa thải hàng loạt không diễn ra.
Trước đại dịch, cơ cấu dân số già đang ngày càng giảm của Nhật Bản, đã tạo ra một trong những thị trường lao động chặt chẽ nhất hành tinh. Thậm chí ở thời điểm tháng 4, một số công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân, với hơn 120 cơ hội việc làm cho mỗi 100 người tìm việc trên toàn quốc. Vốn thiếu hụt lao động lâu dài, một số ngành, như chăm sóc sức khỏe vẫn phải bổ sung tới 630.000 nhân viên mới làm việc thường xuyên. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Nhật Bản đã nhanh chóng triển khai chương trình cứu trợ doanh nghiệp nhỏ.
Thêm vào đó, không giống như Mỹ hay Trung Quốc, Nhật Bản đã không bị bùng phát dịch trên diện rộng. Nước này đã không đóng cửa nền kinh tế như nhiều nước buộc phải làm, chỉ yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa trên cơ sở tự nguyện trong tình trạng khẩn cấp (kéo dài 1 tháng rưỡi, đã kết thúc vào tháng 5).
Tích cốc phòng cơ
Tích cốc phòng cơ
Tuy thế, theo các nhà xã hội học, những khác biệt kể trên vẫn chưa phải là nguyên nhân chính ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt. Sự khác biệt cơ bản về thái độ và chính sách lao động mới chính là “lưới đỡ” bền vững nhất. Theo ông Tomohisa Ishikawa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu Nhật Bản, tại Mỹ khi nền kinh tế gặp khó, giải pháp gần như đầu tiên giới chủ doanh nghiệp nghĩ đến là sa thải lao động và tỷ lệ thất nghiệp lập tức tăng lên. Nhưng đối với người sử dụng lao động Nhật Bản, sa thải lao động là giải pháp cuối cùng.
Cùng quan điểm, Naohiko Baba, nhà kinh tế trưởng tại Nhật Bản của Goldman Sachs, cũng nhận định các công ty Nhật Bản có xu hướng coi trọng bền vững của doanh nghiệp hơn là tối đa hóa tăng trưởng. “Khi công việc kinh doanh tiến triển tốt, các công ty tích lũy lợi nhuận trên bảng cân đối kế toán của họ, bằng cách hạn chế tăng lương của công nhân. Khi tình hình trở nên tồi tệ, họ sử dụng thu nhập giữ lại đó để giúp người lao động không mất việc” - ông Baba nói.
Các doanh nghiệp Nhật Bản thường rất khó tính với nhân viên, yêu cầu về số giờ làm việc đối với nhân viên cũng vào loại dài nhất trên thế giới. Nhưng đổi lại, họ đảm bảo chỗ làm cho nhân viên, thậm chí trong nhiều trường hợp là suốt đời. Những doanh nghiệp vi phạm “luật bất thành văn” đó sẽ bị mất uy tín nghiêm trọng. Tháng 3 vừa qua, các phương tiện truyền thông xã hội ở Nhật Bản sôi sục phẫn nộ với thông tin các nhà tuyển dụng đã hủy bỏ các đề nghị hợp đồng với 21 sinh viên mới tốt nghiệp vì lý do đại dịch. Thái độ ủng hộ người lao động được hỗ trợ bởi những công cụ pháp lý mạnh mẽ được thiết lập từ sau Thế chiến thứ II, ngăn các công ty sa thải nhân viên, trừ khi chứng minh được rằng không có lựa chọn nào khác.
Vào tháng 3, chủ sử dụng lao động của chị Nagata, Soup Stock Tokyo, cam kết giữ toàn bộ nhân viên ở lại làm việc và trả lương đầy đủ, mặc dù luật pháp Nhật Bản chỉ yêu cầu doanh nghiệp trả cho nhân viên của mình 60% tiền lương trong thời gian nghỉ vì đại dịch. Soup Stock Tokyo đã tận dụng các khoản trợ cấp của chính phủ và khoản vay không lãi suất (một phần của gói kích thích do Chính phủ triển khai) để giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cả công ty và người lao động. Công ty này đã nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh sang mô hình phân phối và phát triển các sản phẩm mới, như súp và cà ri đóng gói, nhằm vào đ6ói tượng khách hàng hạn chế việc ăn uống bên ngoài.
Giữa tháng 5, ngay trước khi chính phủ chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, chị Nagata đã trở lại làm việc bình thường. Tất nhiên vẫn có những người không được may mắn như vậy. Sayoko Hirano, 29 tuổi, vũ công ba lê ở Tokyo, bị cắt giảm khoản tiền lớn trong mức lương vốn đã khiêm tốn của mình. Nhưng cô vẫn tự cho rằng tình hình thậm chí còn có thể tồi tệ hơn. “Tôi đã được trả tiền mà không làm việc, vì vậy tôi hoàn toàn không có khiếu nại gì” - cô nói. Nhiều người có cùng nhận thức đó và không ai đòi hỏi bồi thường 100% tiền lương.
Ác cảm với việc sa thải người lao động, ngay cả trong thời khắc khó khăn, tất nhiên cũng có mặt không hay. Các nhà quan sát kinh tế cho rằng “tập quán” này vô hình trung ngăn cản các công ty tuyển dụng nhân viên mới. Nó cũng có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc đào tạo lực lượng lao động thích nghi với các điều kiện mới trong một thế giới thay đổi từng ngày, từng giờ, khiến họ giảm năng suất và làm giảm khả năng cạnh tranh.
Nhưng có vẻ phép thử khắc nghiệt nhất vẫn còn ở phía trước. Tháng 9 tới, khi các khoản trợ cấp lương của chính phủ hết hạn và khu vực dịch vụ của nước này thực sự “ngấm đòn”, đó mới là lúc thực sự “gian nan thử sức”.