Cụ thể, nếu khí hậu trở nên nóng ẩm hơn thì khả năng lây lan của loại virus này dường như có giảm, tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Princeton (Mỹ), nhiệt độ tăng cao vào mùa hè tại khu vực bán cầu Bắc chỉ ảnh hưởng “khiêm tốn” đối với khả năng lây lan của loại virus này.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành những mô phỏng về phản ứng của virus SARS-CoV-2 đối với các dạng khí hậu khác nhau và đưa ra các kịch bản dựa trên tác động của khí hậu đối với các chủng virus tương tự. Trong 3 kịch bản, khí hậu chỉ là yếu tố có tác động làm giảm sự lây lan của dịch bệnh khi phần lớn dân số đã có khả năng miễn dịch hoặc có sức đề kháng đối với chủng virus Corona mới này.
Theo nhà khoa học Rachel Baker của Viện Môi trường học Princeton (PEI), nhóm nghiên cứu cho rằng khí hậu nóng ẩm hơn không làm chậm sự phát triển của virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn đầu của đại dịch. Khí hậu có sự ảnh hưởng phần nào tới quy mô và thời gian của dịch bệnh, nhưng do hệ miễn dịch cộng đồng còn rất yếu nên nhìn chung virus SARS-CoV-2 vẫn lây lan nhanh trong bất kỳ điều kiện khí hậu nào. Bà Baker dẫn chứng tình hình dịch bệnh tại các nước như Brazil, Ecuador và Australia cho thấy điều kiện khí hậu ấm hơn có tác động rất nhỏ trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan.