Nhiều cải cách vẫn nằm trên giấy

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN MINH THẢO (ảnh), Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - CIEM), cho rằng doanh nghiệp (DN) đang rất trông chờ gói trợ lực phi tài chính mang tên “cải cách môi trường kinh doanh”. 

Một trong những nguyên nhân ngại cải cách là một số cán bộ quản lý sợ bị làm sai nên không muốn tạo thuận lợi cho DN.
Một trong những nguyên nhân ngại cải cách là một số cán bộ quản lý sợ bị làm sai nên không muốn tạo thuận lợi cho DN.
PHÓNG VIÊN: - Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là cải cách thể chế và hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (nhóm giải pháp số 5). Đến nay hiệu quả mang lại như thế nào, thưa bà? 
Bà NGUYỄN MINH THẢO: - Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện; một số nhiệm vụ, giải pháp đã từng bước mang lại kết quả.
Qua đó, DN và người dân đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo đó, DN đã tỏ rõ niềm tin vào một môi trường kinh doanh an toàn và sự phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên niềm tin còn mong manh. Số DN khó khăn vẫn rất nhiều. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm vì hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Nhiều DN chưa thoát được khó khăn, thể hiện ở con số 94.575 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021 (tính trong 7 tháng năm 2022), phần lớn trong đó là tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn. Trong khi đó, áp lực và thách thức trong những tháng cuối năm ngày càng gia tăng. 
- Vậy cần tiếp tục hỗ trợ thế nào để DN quay trở lại và vượt qua khó khăn, thưa bà? 
- Dù các bộ, ngành, địa phương đã chủ động và nỗ lực, nhưng nhiều chính sách của chương trình vẫn chậm hoặc khó đi vào cuộc sống. Các nhóm giải pháp hỗ trợ phục hồi DN dường như chưa tạo được sức bật, thậm chí nhiều nơi phản ánh đó chỉ là “hỗ trợ trên văn bản”.
Nhiều cải cách vẫn nằm trên giấy ảnh 1
Kế tiếp, cần chú trọng thêm các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước. Trong tình hình này, DN càng trông chờ hơn vào gói trợ lực phi tài chính “cải cách môi trường kinh doanh”. Nhưng thực tế cho thấy nhóm giải pháp này chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí rào cản thủ tục hành chính còn nặng nề hơn trong một số lĩnh vực.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế không thể thiếu vắng sự đóng góp và phát triển của DN. Vì thế, nhóm giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần được quan tâm và tăng tốc hơn nữa. Nhóm giải pháp này không chỉ đem lại hiệu quả ngay tức thì cho DN, còn đảm bảo hiệu quả bền vững, dài hạn.
- DN cho rằng nhiều cải cách vẫn “nằm trên giấy”, trong khi nhiều hiệp hội và giới chuyên gia nói “cải cách đang chững lại”. Bà nghĩ gì về những phản hồi này? 
- Qua nghiên cứu thực tiễn và tham khảo các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về cải cách môi trường kinh doanh, chúng tôi nhận thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo các địa phương đối với vấn đề này rõ nét và quyết liệt hơn, nhưng vẫn chủ yếu thể hiện trong chỉ đạo và văn bản, chưa thực sự triển khai trên thực tế.
Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của các bộ, ngành chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm, cũng như chưa đáp ứng yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng. 
Chính phủ đã yêu cầu đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD), cắt bỏ những điều kiện không cần thiết. Nhìn về con số thấy số lượng ĐKKD có giảm, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản. Như vậy, cải cách mới chỉ một phần và đâu đó vẫn còn nhiều cải cách chưa thực chất.
Theo quan sát của chúng tôi, trong nửa đầu năm dường như không có động thái nào liên quan đến việc rà soát, cắt giảm này. Một số địa phương tuy định kỳ có tổ chức đối thoại với DN, nhưng theo phản ánh của DN sau các cuộc đối thoại ít vấn đề được giải quyết đến tận cùng. Thực tế này đã khiến DN phần nào mất niềm tin vào sự đồng hành của Chính phủ với họ.
Cũng xin được nói thêm, gần đây các hiệp hội DN đã tỏ ra lo ngại việc tiền kiểm đang trở lại, xu hướng “siết chặt hơn để quản” lại trỗi dậy. Chúng tôi thấy rằng đúng là xu hướng thắt chặt hơn đang xuất hiện. Trong dự thảo các văn bản, thông tư, nghị định các bộ soạn thảo gần đây đang đưa ra thêm các quy định mang tính chất ĐKKD.
Một số rào cản kinh doanh đã bị bãi bỏ trước đây đang có xu hướng khôi phục, thậm chí bổ sung một số điều kiện mới được lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở cấp thông tư.
- Vậy theo bà để cải cách thực chất, mạnh mẽ cần cách làm gì? 
- Một nguyên nhân nữa, không hẳn cán bộ quản lý không muốn tạo thuận lợi cho DN mà vì họ sợ làm bị sai, lo sẽ gặp rủi ro pháp lý. Có thể đúng với luật này nhưng lại sai với luật khác nên đây là rủi ro lớn về mặt pháp lý. Trong khi đó lại thiếu cơ chế bảo vệ việc thực thi cho họ. Với tâm lý đó, đã nảy sinh tình trạng một văn bản trước đây một sở, ngành thực hiện, nay phải lấy ý kiến tất cả sở ngành.  
Cải cách sẽ không thực chất, không mạnh mẽ nếu thiếu áp lực từ Chính phủ, cộng đồng và các bên liên quan. Chính phủ phải tạo ra áp lực mạnh mẽ, liên tục, thường xuyên để thúc đẩy cải cách. Chính phủ cần tạo lập ngay cơ chế để đảm bảo an toàn cho cán bộ thực thi khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới nhiều lĩnh vực mà văn bản có sự mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, hướng tới giúp việc thực thi và tuân thủ pháp luật tốt hơn, không phải dưới hình thức “bới lông tìm vết”.
- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác