Nước ta hiện nay có thực trạng chung là rất nhiều đơn vị mới chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký vì các lý do. Hệ lụy là nhiều doanh nghiệp bị mất tài sản sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Điển hình như vụ việc: chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị đăng ký làm nhãn hiệu ở nhiều nước; mất thương hiệu thuốc lá Vinataba ở nhiều lãnh thổ; mất sáng chế/kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi ở Nhật Bản năm 2001, mất chỉ dẫn địa lý café Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc năm 2011…
Ông Lê Ninh Giang, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho biết, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn còn “thờ ơ" với việc đăng ký sở hữu trí tuệ vì nguyên nhân là còn thiếu kiến thức và nhận thức tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu hàng hàng hóa ra nước ngoài.
“Trong khi trên thế giới các doanh nghiệp đa quốc gia đều đầu tư nhiều nguồn lực cho việc đăng ký bảo hộ độc quyền tài sản trí tuệ của doanh nghiệp thì tại nước ta, hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp hiểu đúng tầm quan trọng của vấn đề này. Nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt đầu tư rất nhiều vào thương hiệu của mình trong nước, sản phẩm tốt được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, tuy nhiên khi ra thị trường quốc tế lại trở nên vô danh, thậm chí bị “cướp” thương hiệu do bị một doanh nghiệp nước ngoài khác đăng ký trước” - ông Lê Ninh Giang nói.
Để thực thi có hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu với kinh tế quốc tế, theo Luật sư Phạm Duy Khương, Công ty Luật SB Law, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế, trong đó cân nhắc về chi phí, thời gian, số lượng và quốc gia đăng ký.
Cụ thể, các doanh nghiệp có thể đăng ký trên 4 quốc gia, so sánh thời gian đăng kí trực tiếp và đăng ký qua chỉ định thư hay thỏa ước. Một số quốc gia đã cho phép đăng ký với thủ tục rút gọn mà doanh nghiệp có thể cân nhắc như: Campuchia, Úc, Hàn Quốc… Luật sư Phạm Duy Khương cảnh báo các doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ trước khi lựa chọn quốc gia và cách thức đăng ký để tiết kiệm về thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Luật Bross và cộng sự cho rằng, nếu không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội xuất khẩu mở rộng thị trường và sẽ phải đối mặt với rủi ro về pháp lý. Thậm chí còn mất nhiều cơ hội lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA, RCEP…
“Để không bị mất thương hiệu và nhãn hiệu của mình các doanh nghiệp phải chủ động rà soát và đăng ký sớm các quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài. Đặc biệt cần lưu ý bảo hộ: nhãn hiệu (thương hiệu), kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích. Khi phát hiện quyền sở hữu trí tuệ của mình bị mất, cần nhanh chóng nghiên cứu thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ” - luật sư Lê Quang Vinh nêu ý kiến.