Mặc dù room tín dụng đã được nới thêm, lãi suất huy động cũng đã hạ nhiệt nhưng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn “than” khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh của mình.
Nới room vẫn chưa đủ “cơn khát”
Khát vốn là thực trạng nhiều doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dù thời gian gần đây, chính sách vay vốn đã cởi mở hơn, các ngân hàng cũng hỗ trợ tích cực, song nhiều doanh nghiệp cho hay vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng.
Ông Lê Vĩnh Sơn-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI), cho biết từ quý 2/2022 trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng… Do tình hình giá cả tăng cao nên sức mua suy giảm, thị trường thu hẹp, hàng hóa tồn kho nhiều, cộng thêm những khó khăn về về tiếp cận tài chính làm cho các doanh nghiệp lao đao và đứng trên bờ vực phá sản.
Cũng theo ông Sơn, ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ niềm vui, song lại không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ này. Các doanh nghiệp của hội đều “than” vì khó tiếp cận do không đủ điều kiện đáp ứng.
Nguyên nhân xuất phát từ chính các SME do thiếu tài sản thế chấp; quản trị dòng tiền kém, kế hoạch kinh doanh thiếu minh bạch, khả thi… Đây cũng là những thách thức thường gặp của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng.
Trong khi đó, các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho SME thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng xuất phát từ quy định hoạt động của các quỹ. Những vấn đề này cần có những giải pháp đồng bộ từ phía các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Cũng cùng cảnh ngộ, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) cũng chia sẻ hiện nay nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất. Một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… Trong khi đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, để tiếp cận vốn vay của ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải không có nợ xấu nhưng đồng thời phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm... Trong khi đó, sau khi trải qua hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc chưa có lợi nhuận.
"Cánh cửa vay vốn tín chấp đối với các doanh nghiệp nhỏ gần như quá hẹp, thậm chí còn khó hơn cả vay vốn bằng tài sản đảm bảo," ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp tại Nghệ An cho biết doanh nghiệp rất cần vốn, ngân hàng cũng rất cần giải ngân, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tài sản thế chấp. Tuy nhiên, tài sản có thể thế chấp đã được doanh nghiệp sử dụng cho các khoản vay trước nên không đảm bảo điều kiện vay.
Một số doanh nghiệp cũng cho hay lãi suất cho vay trên 10% thì khó có doanh nghiệp nào có thể làm ăn có lãi nên chắc chắn rất nhiều doanh nghiệp không thể vay để đầu tư mới. Ngay cả các doanh nghiệp thuộc nhóm 1 cũng bị hạn chế không thể mở rộng thị trường, không đầu tư được như kỳ vọng. Riêng gói hỗ trợ lãi suất 2% thì triển khai còn khá chậm, nhiều doanh nghiệp dè dặt hoặc không đạt tiêu chuẩn vay.
Cần khơi thông dòng vốn
Theo các chuyên gia, nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh sẽ có nguy cơ phá sản bởi hai lý do: Đó là không có tiền trả lương cho người lao động và theo đó, doanh nghiệp sẽ mất nguồn nhân lực, không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm COVID vừa qua.
Gửi kiến nghị được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, Chủ tịch HAMI Lê Vĩnh Sơn cho biết thời gian qua lãi suất tăng cao, có những khu vực/trường hợp lãi suất tăng đến 14,15%/năm và còn có thể tăng cao hơn nữa. Vì vậy, ông Sơn đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn/các gói cứu trợ nhanh, tăng tốc độ giải ngân, giảm lãi suất vay, nới room tín dụng…, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu sự đổ vỡ theo dây chuyền của hệ thống các doanh nghiệp, ổn định nền kinh tế thủ đô, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đạt kế hoạch thu ngân sách 2023 và các mục tiêu đã đề ra.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng các ngân hàng phải nới lỏng các chỉ tiêu hoặc đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong tương lai trước thời điểm diễn ra dịch bệnh hoặc thời gian sau khi diễn ra dịch bệnh để thấy các doanh nghiệp này hồi phục như thế nào và đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn thì ngân hàng có thể linh động cho doanh nghiệp được phép vay.
Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh càng gần cuối năm, doanh nghiệp càng chạy nước rút với kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra cũng như hoàn thiện các đơn đặt hàng, do đó, họ rất cần dòng tiền để quay vòng. Tuy nhiên, việc tiếp cận được vốn ngân hàng đối với doanh nghiệp luôn là thách thức không nhỏ đặt ra đối với họ. Xét cho cùng, điều này vẫn tùy thuộc phần nhiều vào chính năng lực của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần đảm bảo sự trung thực và minh bạch của báo cáo tài chính, chứng minh dòng tiền có thể trả nợ... Nếu doanh nghiệp không có phương án kinh doanh hiệu quả, không đảm bảo được khả năng trả nợ mà phía ngân hàng vẫn cho vay thì sẽ rủi ro an toàn tín dụng.
Cũng theo chuyên gia, doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá, sàng lọc doanh nghiệp theo từng ngành, địa phương để vốn được đưa đến đúng những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và sử dụng tốt, từ đó, tiếp thêm sức và tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.