G20 giúp giải quyết nợ
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết sẽ hỗ trợ giải quyết nợ của các nước có thu nhập thấp và viện trợ cho các nước đang phát triển. Các nhóm chuyên viên dự kiến sẽ hoàn thiện chi tiết kế hoạch trước thềm cuộc họp tiếp theo của G20 vào ngày 15-4 tới.
Bên cạnh đó, các nước G20 cũng sẽ làm việc với ban ổn định tài chính của nhóm, được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, để phối hợp các biện pháp giám sát nhằm ứng phó dịch Covid-19.
Các thành viên của Cơ quan Tiền tệ Saudi Arabia dự hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính G20 và thống đốc các ngân hàng trung ương
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua một cơ chế mới kéo dài 3 năm cho các thỏa thuận cho vay song phương, qua đó đảm bảo duy trì được khả năng cho vay 1.000 tỷ USD của tổ chức này.
Theo IMF, cơ chế mới này giống với cơ chế đã được thông qua vào năm 2016, trong đó cho phép các nước giàu hơn trong IMF có thể cho vay trực tiếp đối với những nước thành viên cần hỗ trợ. IMF cũng cho biết đã thông qua việc giải ngân 143 triệu USD cho Honduras nhằm giúp quốc gia Trung Mỹ này tăng chi cho các hoạt động xã hội và y tế nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. Còn Ngân hàng Hội nhập kinh tế Trung Mỹ (CABEI) đã công bố chương trình hỗ trợ 1,9 tỷ USD cho các quốc gia trong khu vực nhằm kiềm chế sự lây lan và giảm nhẹ tác động kinh tế của dịch bệnh.
Còn tại châu Âu, nơi dịch Covid đang hoành hành, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone - Eurogroup), ông Mario Centeno, cảnh báo khu vực này có thể tan vỡ, nếu các chính phủ thành viên không gạt bỏ bất đồng để đạt được nhất trí về một kế hoạch cứu trợ cho Italy và Tây Ban Nha. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh 19 nước thành viên của Eurozone vẫn chưa nhất trí được về kế hoạch giải cứu giúp đảo ngược tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế của khối. Italy và Tây Ban Nha là 2 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh và nằm trong số những nước có số nợ cao nhất trong khu vực. Dự kiến, Eurogroup sẽ có cuộc họp trực tuyến vào ngày 7-4 và các bên sẽ có thời gian đến ngày 12-4 tới để đạt được nhất trí về hướng đi tiếp theo.
Cân nhắc nới lỏng trừng phạt
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) thông báo sẽ cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài tạm thời đổi trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ lấy USD. Trong bối cảnh nhu cầu USD ngày càng tăng do những rủi ro liên quan đến dịch bệnh, công cụ hoán đổi FIMA của FED sẽ cho phép các ngân hàng trung ương đổi trái phiếu Mỹ lấy tiền mặt, thay vì bán với giá rẻ hơn. Cơ chế này sẽ triển khai từ ngày 6-4 tới và được kỳ vọng giúp các thị trường tài chính hoạt động ổn định hơn, duy trì được nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề cập đến khả năng Mỹ xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Iran và các nước khác nhằm giúp chống dịch Covid-19. Theo Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ liên tục đánh giá lại các chính sách của mình và có thể cân nhắc lại. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh chuyên gia nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) kêu gọi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các quốc gia như Iran, Triều Tiên và Venezuela nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân khi dịch bệnh bùng phát.
Hãng AP cho biết Pháp, Đức và Anh đã xuất khẩu hàng hóa y tế sang Iran trong giao dịch đầu tiên được thực hiện theo cơ chế thương mại được thiết lập để trao đổi hàng hóa và thực phẩm nhân đạo, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trong khi đó, ngày 1-4, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ viện trợ 900.000 USD để hỗ trợ Triều Tiên...