Nhiều ngân hàng dễ vỡ 3 chỉ tiêu lớn

Qua ảnh hưởng từ việc một số người từng liên quan bị bắt giữ, Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) lập tức hạ dự báo lợi nhuận Ngân hàng Á Châu (ACB).

Cụ thể, bản tin mới đây của HSC cho biết: “Chúng tôi đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2012 của mình cho ACB xuống còn 3.560 tỷ đồng từ dự báo trước đây là 4.326 tỷ đồng”.

Dự báo lúc này chỉ là dự báo. ACB là trường hợp cá biệt, gắn với sự kiện cá biệt. Nhưng ở tình hình chung, năm nay nhiều nhà băng đang đứng trước khả năng vỡ 3 chỉ tiêu lớn: tăng trưởng tín dụng, kiểm soát nợ xấu và lợi nhuận.

Thêm việc, bớt lời

9h tối, vị lãnh đạo ngân hàng nọ mới rời công sở. Cuộc gọi lúc này của ông là để soát lại các thông tin sự kiện chính đã diễn ra trong ngày. Giờ hành chính quá bận để có thể cập nhật hoặc lướt báo… Nhiều tháng qua đều vậy. Dày đặc các cuộc họp kéo dài đến tối muộn, trọng tâm là tín dụng, nợ xấu và ngay cả từng khoản vay cụ thể. Chắc chắn vị lãnh đạo ngân hàng trên không phải là cá biệt.

Một số người trong ngành nói vui rằng, năm nay, nếu ngành hàng không xét “giải”, hẳn giới lãnh đạo ngân hàng sẽ có nhiều ứng viên “bay nhiều nhất trong năm”. Không hẳn vì giao thương nhộn nhịp như trước đây, thay vào đó là có nhiều phát sinh, nhiều vấn đề hơn phải trực tiếp đi cơ sở để xử lý.

Tựu trung là để giữ được an toàn và ổn định hệ thống. Bởi năm nay, chỉ tiêu đầu tiên dễ vỡ tại nhiều ngân hàng thương mại là kiểm soát giới hạn nợ xấu.

Từ đầu năm, sự gia tăng của nợ xấu trở thành một điểm nóng với nhiều tranh luận cởi mở. Song có một câu hỏi còn để ngỏ: nợ xấu dưới 3% theo chuẩn mực kế toán Việt Nam được xem là trong tầm kiểm soát, vậy khi vượt trên 3% hay thậm chí 8,6% thì tầm kiểm soát đến đâu?

Đối chiếu theo giới hạn 3% đó, chỉ riêng ở khối ngân hàng niêm yết (cập nhật dữ liệu sớm và đều) đã có những thành viên mấp mé và vượt. Tính đến 30/6/2012, nợ xấu của Vietcombank đã là 3,47%, VietinBank là 2,45%, Navibank là 3,87%, ACB 1,53%, MB 1,85%, Eximbank 1,73%...

Với kế hoạch đại hội đồng cổ đông thông qua cho năm nay, chỉ mới đến tháng 6 chỉ tiêu đã vỡ, hoặc tạo áp lực lớn tại một số thành viên. Như tại Vietcombank, chỉ tiêu đề ra là dưới 2,8%, để đạt thì 6 tháng cuối năm phải giảm được rất mạnh. Tương tự là tại ACB, chỉ tiêu đề ra năm nay là không vượt quá 1%, song sau 6 tháng đã là 1,53%. Hay tại MB, chỉ tiêu 1,9% cũng đã cận kề…

Rộng hơn là cả hệ thống. Chỉ riêng con số 4,47% các tổ chức tín dụng báo cáo đến ngày 31/5/2012 cũng đã là một sự vượt quá; con số 8,6% theo giám sát từ xa mà Ngân hàng Nhà nước tính đến 31/3/2012 thì hẳn nhiều nơi đã vỡ chỉ tiêu giới hạn.

Nợ xấu tăng mạnh, các khoản trích lập dự phòng đội cao và chỉ riêng mối liên hệ này các ngân hàng đã bớt lời. Và không bất ngờ nếu năm nay có nhiều ngân hàng lỗ hoặc chỉ lãi chút đỉnh - điều ít xẩy ra nhiều năm qua, ngay cả những năm ảnh hưởng khủng hoảng 2008 - 2009.

Không cố bằng mọi giá

“Lúc này giữ an toàn và ổn định là hàng đầu. Đành rằng lợi nhuận là nhiệm vụ các cổ đông, hội đồng quản trị giao, nhưng đặt ra lúc này không những nhạy cảm mà còn “vô duyên”, vì kinh tế nhiều khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, phá sản như vậy”, tổng giám đốc một ngân hàng nói khi từ chối bình luận về khả năng thực hiện chỉ tiêu năm nay.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí hồi đầu tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cũng cho rằng năm nay không nên đặt nặng chỉ tiêu lợi nhuận.

“Trong giai đoạn này hoạt động của ngân hàng không phải chạy theo lợi nhuận nữa, mà đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu và tăng hỗ trợ doanh nghiệp, để làm sao doanh nghiệp hoạt động an toàn thì ngân hàng an toàn. Tôi nghĩ các cổ đông cũng sẽ hiểu và chia sẻ”, ông Lê nói với VnEconomy.

Bối cảnh mà Tổng giám đốc SHB đưa ra quan điểm trên là việc thực hiện rút lãi suất các khoản nợ cũ về tối đa 15%/năm theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng là mức độ ảnh hưởng tới lợi nhuận mà một số nhà băng đã công bố.

Còn theo tổng giám đốc một ngân hàng ở khu vực phía Nam, việc rút lãi cho nợ cũ nói trên trên sẽ dẫn đến một thực tế là nhiều ngân hàng sẽ phải “bỏ qua” chỉ tiêu lợi nhuận năm nay. “Nửa đầu năm chúng tôi mới được hơn 200 tỷ đồng lãi trước thuế, mà chỉ tiêu cổ đông giao là trên 700 tỷ đồng. Cả năm, phải cố gắng để không bị lỗ, và tôi tin sẽ có nhiều ngân hàng nhỏ lỗ”, ông nhận định.

Cho rằng áp lực hoàn thành chỉ tiêu năm nay là rất khó, song quan điểm chung mà lãnh đạo một số ngân hàng khi trao đổi đều thống nhất là không cố bằng mọi giá. Con đường kinh doanh của ngành không còn lối mòn như những năm trước, nợ xấu… “đẹp”, cứ cho vay nhiều là thu lãi lớn. Thay vào đó là những thách thức về năng lực quản trị rủi ro, ứng xử với khủng hoảng.

Không cố bằng mọi giá, nên lúc này nhiều nhà băng đã thừa nhận là sẽ không đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra đầu năm. Ngoại trừ hiện tượng MB xin nới mạnh chỉ tiêu (từ 17% lên 25%), hầu hết các ngân hàng nhóm 1 chỉ dự tính cố gắng để đạt được mức 10 - 15%, thậm chí có những thành viên phải chật vật để giữ được trạng thái “trên mặt đất”.

Bên cạnh chỉ tiêu giới hạn nợ xấu, vỡ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tác động lớn đến chỉ tiêu lợi nhuận. Năm 2011 vừa qua, thị trường cũng đã thấy rõ những ngân hàng lỗ nặng, hoặc vốn quy mô 3.000 - 5.000 tỷ đồng nhưng lãi chỉ khoảng 80 - 160 tỷ đồng, mà nếu trích lập dự phòng nghiêm túc thì có thể còn bết bát hơn.

Năm nay, với những gì đã và đang diễn ra, thực tế trên có thể sẽ mở rộng hơn nữa. Theo đó, bức tranh lợi nhuận ngân hàng sẽ không chỉ có màu hồng như thường thấy.

Các tin khác