Nhiều nhà băng tự tin kế hoạch lợi nhuận

(ĐTTCO) - Trong điều kiện phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các nhà băng rất tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 2 con số cho năm 2021. 
Khách hàng giao dịch tại SCB.
Khách hàng giao dịch tại SCB.
Kế hoạch đầy tự tin
Mở màn mùa ĐHCĐ ngành NH năm nay, BIDV thông báo với cổ đông kế hoạch lợi nhuận rất lạc quan, dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020. Cũng vừa tổ chức ĐHCĐ vào tuần trước, MSB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tăng 30% so với năm ngoái, dự kiến ở mức 3.280 tỷ đồng. Còn VIB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 7.510 tỷ đồng, tăng hơn 29% so với kết quả năm 2020. Theo tài liệu phục vụ cho cuộc họp ĐHCĐ dự kiến diễn ra ngày 30-3, PGBank sẽ xin ý kiến cổ đông dừng sáp nhập với HDBank, đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 46% so với năm trước, tương đương 310 tỷ đồng.
Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng từ 2 con số cũng là điểm chung của nhiều nhà băng khác trong năm nay. Cụ thể, Vietcombank tăng 12% (tương ứng kế hoạch 25.200 tỷ đồng); MB tăng 25-30% (14.600 tỷ đồng); OCB tăng 15% (5.560 tỷ đồng); SeABank tăng 39,6% (hơn 2.400 tỷ đồng). Thậm chí, một số NH còn đặt mục tiêu tăng trưởng “khủng” so với năm ngoái, như Eximbank với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.150 tỷ đồng, tăng tới 63%; SHB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên đến 70% so với năm trước, tương ứng mức lãi hơn 5.500 tỷ đồng.
Đi kèm mục tiêu lợi nhuận cao cho năm 2021, các NH cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao. BIDV đưa ra kế hoạch dư nợ tín dụng ở mức 10-12% so với 9% của năm ngoái. Mục tiêu tăng tín dụng của VietinBank cũng ở mức 8-11% tùy theo thực tế thị trường và điều hành của NHNN. Tại các NHTMCP, kế hoạch tăng trưởng dư nợ còn được định hướng tăng gấp nhiều lần so với mức tăng tín dụng khoảng 12% NHNN đề ra cho toàn hệ thống. Cụ thể, VIB đặt mục tiêu dư nợ tín dụng ở mức 224.800 tỷ đồng, tăng 31% so với chỉ tiêu 8% của NHNN.
Lý giải chênh lệch giữa kế hoạch tăng trưởng tín dụng và hạn mức được NHNN cấp, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, cho biết định hướng của NHNN là tăng trưởng tín dụng 12% cho toàn hệ thống trong năm 2021, nhưng chỉ tiêu này linh động theo diễn biến của nền kinh tế. NHNN luôn thận trọng trong giao chỉ tiêu cho các NHTM, lần đầu ở mức 7-12%, sau đó đánh giá mức độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, sức khoẻ tài chính để giao bổ sung. Trong 4 năm qua, tăng trưởng tín dụng của VIB tăng trung bình 25-30%. Do đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nói trên cũng được đưa ra dựa trên xu hướng và số liệu xác suất đạt được trong những năm qua.

Tập trung đẩy biên lãi ròng
Khảo sát do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) công bố hồi đầu năm, cho thấy hầu hết TCTD đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021, nhờ nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế hồi phục, doanh nghiệp quay trở lại nhịp kinh doanh… Cùng với việc Chính phủ và NHNN yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các NH đang toán tính chiến lược trong kinh doanh để có lãi lớn. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết động lực lớn nhất để tăng lợi nhuận đến từ việc tiết kiệm chi phí, thông qua gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng huy động (CASA) từ 14,5% lên tối thiểu 16%, cùng với mức trích lập dự phòng tăng nhẹ so với năm 2020. Thêm vào đó, thu nhập lãi thuần dự kiến tăng 19%, thu dịch vụ ròng tăng 16-17%, đồng thời tiếp tục thu nợ ngoại bảng, dự kiến 8.000 tỷ đồng. 
Đi theo hướng này, hiện các NH khác cũng sớm lên kế hoạch chạy đua thu hút CASA, bởi lợi ích của nguồn tiền gửi không kỳ hạn đối với hoạt động kinh doanh của NH ngày càng rõ ràng. Theo thông tin của VIB, với gần 3 triệu khách hàng cá nhân giao dịch qua 166 chi nhánh, tỷ lệ CASA mảng bán lẻ của VIB năm 2020 tăng 71%, tổng CASA mảng bán lẻ chiếm khoảng 10%/tổng huy động bán lẻ. NH này đang có lộ trình đưa tỷ lệ CASA bán lẻ lên 20%/tổng huy động của mảng bán lẻ trong vòng một năm rưỡi tới. Eximbank cũng cho biết đang nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng nền tảng công nghệ và gia tăng tiện ích, từ đó thu hút khách hàng chuyển tiền về tài khoản mở tại NH nhiều hơn để tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn. Các NH lớn khác cũng đang cạnh tranh giảm phí giao dịch và chuyển khoản, nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống, nhằm hút vốn rẻ, tăng biên lãi ròng cho năm 2021 và các năm sau.
Bên cạnh chạy đua hút CASA, các nhà băng cũng đẩy mạnh cho vay những phân khúc có lãi suất tốt hơn để tăng lợi nhuận. Điều này được thể hiện qua hàng loạt sản phẩm cho vay mới được tung ra phục vụ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhóm khách hàng cá nhân. Trong đó, phân khúc khách hàng cá nhân được dự báo có nhiều NH ưu tiên cho vay nhờ có nhiều ưu điểm, như có hệ số rủi ro thấp khi tính hệ số CAR theo Thông tư 41, giúp cải thiện lợi suất cho vay và giảm thiểu rủi ro tập trung. 
Theo một số báo cáo nghiên cứu thị trường công bố gần đây, tiềm năng tăng tỷ trọng bán lẻ vẫn khả quan trong tương lai, khi tỷ trọng dư nợ bán lẻ của Việt Nam hiện ở mức 40%, thấp hơn các nước đã phát triển. Bên cạnh đó, tiêu dùng của người dân đang thay đổi theo hướng chấp nhận vay nợ nhiều hơn. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 6-2020 đến nay chủ trương kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Đây là cơ hội để các nhà băng tự tin lên kế hoạch tăng tín dụng mạnh, kỳ vọng biên lãi ròng cao hơn và lợi nhuận tăng trưởng 2 con số trong năm nay.
Xu hướng tìm kiếm lợi nhuận trên cũng đang được một số NH nhỏ bắt nhịp. Điển hình như PGBank dự kiến năm nay tăng thêm chính sách ưu đãi để đẩy mạnh tăng trưởng CASA 15% so với năm 2020; đồng thời lên kế hoạch cho vay bán lẻ đạt đến 11.269 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm ngoái, tập trung dư nợ vào các sản phẩm cho vay mua nhà để ở, cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo…

Các tin khác