Nhiều sai sót trong quản lý kinh phí, sử dụng đất và thực hiện dự án

(ĐTTCO)-Thanh tra TPHCM vừa có thông báo kết luận thanh tra việc quản lý kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại huyện Bình Chánh (trong năm 2016) và quản lý sử dụng đất, thực hiện dự án xây dựng Khu nhà ở Tân An Huy (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè).
Nhiều sai sót trong quản lý kinh phí, sử dụng đất và thực hiện dự án

Dự toán chi phí bồi thường chưa chính xác cho 654/729 trường hợp

Theo Thanh tra TP, Ban Bồi thường đã sử dụng từ nguồn kinh phí quỹ phát triển sự nghiệp, kinh phí thu tiền nền tái định cư, bồi thường các dự án khác và thu tiền lệ phí trước bạ của các hộ dân với tổng số tiền hơn 28,7 tỷ đồng (có 9 dự án tính đến 31-12-2016 và 8 dự án tính đến ngày 31-8-2017). Trong đó, sử dụng nguồn thu tiền nền tái định cư với số tiền 7,7 tỷ đồng chi cho các hộ dân tại dự án Depot Tân Kiên và sử dụng nguồn kinh phí của dự án khác với gần 5 tỷ đồng khi không có chủ trương của UBND huyện Bình Chánh và UBND TP, là không đúng các nguồn kinh phí.

Ban này cũng chậm giải ngân kinh phí bồi thường hơn 448 tỷ đồng; thu tiền nền tái định cư của các hộ dân với tổng số tiền hơn 16,2 tỷ đồng (trong năm 2016 và 2017) là thực hiện chưa đúng quy định.

Đối với dự án nâng cấp Quốc lộ 50 trên địa bàn huyện Bình Chánh, Ban Bồi thường chậm giải ngân hơn 28 tỷ đồng kinh phí bồi thường (tính đến 31-8-2017).

Việc xây dựng dự toán chi phí bồi thường đính kèm phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án nâng cấp Quốc lộ 50 chưa chính xác. Cụ thể, có 485/729 trường hợp dự toán chi phí bồi thường dự án nâng cấp Quốc lộ 50 cao hơn quyết định bồi thường (lần đầu) cho các hộ gia đình, cá nhân; 169/729 trường hợp dự toán chi phí bồi thường cao hơn đối với các trường hợp có quyết định bồi thường lần đầu và quyết định bồi thường bổ sung. Từ đó dẫn đến bức xúc của các hộ dân ảnh hưởng tại dự án và phát sinh khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ dự án.

Thanh tra TP cũng chỉ rõ, Ban Bồi thường phải xem xét, xử lý theo quy định, không để tồn đọng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng Ban đang quản lý. Đây là số tiền lãi phát sinh từ nguồn tiền do một số hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công dự án.

Cũng theo Thanh tra TP, Ban Bồi thường lập bảng dự toán điều chỉnh kinh phí hoạt động năm 2016 với tổng số tiền hơn 19,2 tỷ đồng là tăng so với dự toán được UBND huyện phê duyệt.

Thanh tra TP cho rằng, Ban đã sử dụng kinh phí hoạt động đề nghị quyết toán năm 2016 với số tiền hơn 19,3 tỷ đồng (chiếm 78,63% kinh phí đã nhận) là không chặt chẽ trong việc phân bổ sử dụng kinh phí hoạt động.

Hình thức mua sắm máy vi tính, máy in với tổng gần 300 triệu đồng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp là chưa đúng quy định. Ngoài ra, Ban chưa hoàn tạm ứng lại quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp với số tiền hơn 2 tỷ đồng do Chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương chưa chuyển kinh phí bồi thường cho Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện. Ban còn sử dụng quỹ dự phòng ổn định thu nhập để chi thu nhập tăng thêm (chi bổ sung năm 2015) với hơn 1,1 tỷ đồng là thực hiện chưa đúng quy trình.

Theo Thanh tra TP, những sai sót, khuyết điểm trên thuộc về Trưởng ban Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện; Trưởng phòng Kế toán tài vụ và các cá nhân có liên quan đến thời kỳ xảy ra vụ việc. Trong đó có phần trách nhiệm của UBND huyện và các cơ quan trực thuộc UBND huyện.

Liên quan đến Quốc lộ 50: 48 trường hợp bị chưa được bồi thường

Đối với việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án nâng cấp Quốc lộ 50 trên địa bàn huyện Bình Chánh, Thanh tra TP chỉ rõ, do nhiều nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp, Ban bồi thường chậm lập phiếu chiết tính chi phí, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân dẫn đến việc UBND huyện chậm ban hành quyết định bồi thường đối với các hộ dân sau khi có quyết định thu hồi đất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân.

Do pháp lý nhà, đất của nhiều trường hợp phức tạp, mất nhiều thời gian để xác minh, thẩm tra nguồn gốc, quá trình sử dụng đất; đồng thời trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, có thời điểm nguồn kinh phí bồi thường chưa đảm bảo nên Ban Bồi thường chậm lập phiếu chiết tính chi phí bồi thường, hỗ trợ. Từ đó dẫn đến việc UBND huyện chậm ban hành quyết định bồi thường các hộ dân sau khi có quyết định thu hồi đất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân.

Ngoài ra, một số trường hợp đủ điều kiện bồi thường nhưng khi lập phiếu chiết tính bồi thường, Ban Bồi thường chưa xét xét đầy đủ quá trình quản lý, sử dụng dẫn đến việc UBND huyện tính chi phí bồi thường chưa phù hợp. Hiện còn 48 trường hợp bị ảnh hưởng tại dự án nâng cấp Quốc lộ 50 chưa được UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ.

Tại kết luận thanh tra, Thanh tra TP cũng chỉ rõ những thiếu sót của Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh dẫn đến người dân bức xúc và làm phát sinh nội dung tố cáo. Thanh tra TP cho rằng, việc các hộ dân tố cáo liên quan đến bồi thường là có cơ sở, cần được xem xét giải quyết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng, tránh phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Nhiều thiếu sót, sai phạm tại khu nhà ở Tân An Huy

Theo Thanh tra TP, việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất và thực hiện dự án xây dựng Khu nhà ở Tân An Huy (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) do Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy làm chủ đầu tư có nhiều thiếu sót, sai phạm.

Cụ thể, Công ty Tân An Huy chậm trễ trong thực hiện dự án trên. Trong khi đó, đại diện theo pháp luật của công ty qua đời từ tháng 2-2017 nhưng đến thời điểm thanh tra (hơn 6 tháng sau), chủ sở hữu, Hội đồng quản trị công ty chưa cử người đại diện theo pháp luật là chưa thực hiện đúng quy định. Trong quá trình thanh tra, công ty cũng chưa chứng minh được khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ thuế và tiếp tục thực hiện dự án.

Công ty này xây dựng 14 căn nhà tại khu thấp tầng là không đúng quy hoạch được phê duyệt.

Tại khu đất cao tầng của dự án, Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences đã ký các thỏa thuận đặt cọc từ tháng 10-2016 với cam kết là chủ đầu tư hợp pháp của dự án trước khi UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận làm chủ đầu tư Dự án khu nhà ở xã Phước Kiển. Đây là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, Công ty Nam Sài Gòn đã tiến hành thi công ép cọc đại trà trước khi được cấp phép xây dựng. Công ty Tân An Huy còn nợ ngân sách nhà nước tổng số tiền gần 155 tỷ đồng.

Từ kết luận của Thanh tra TP, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật của Công ty Tân An Huy khẩn trương cử người đại diện theo pháp luật để làm việc với cơ quan chức năng về hoạt động của công ty. Công ty này cũng phải thực hiện nộp ngân sách nhà nước với số tiền gần 155 tỷ đồng và các nghĩa vụ khác liên quan. Giao Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nghiêm túc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng và quy hoạch tại dự án Khu nhà ở Tân An Huy cũng như các dự án khác trên địa bàn.

Ở quận 12, theo thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật đối với một số dự án tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực quận 12, Thanh tra TPHCM cũng chỉ ra một số thiếu sót. Theo đó, ban quản lý có thiếu sót trong công tác lập thiết kế, dự toán và nghiệm thu thanh toán; công tác nghiệm thu khối lượng không phù hợp theo hồ sơ thiết kế bản vẽ đã được duyệt, đã làm tăng trị giá thanh toán gần 800 triệu đồng. Trong khi đó, một số biên bản nghiệm thu tại các dự án xây dựng cầu Võ Rồng, trạm trung chuyển rác phường An Phú Đông chưa có xác nhận đầy đủ; một số trang nhật ký dự án Xây dựng trạm trung chuyển rác phường An Phú Đông không có xác nhận của đơn vị tư vấn giám sát là chưa phù hợp…


Quận Tân Phú còn nợ đọng gần 550 tỷ đồng tiền sử dụng đất

Về kết luận thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng tại UBND quận Tân Phú năm 2018, 2019, theo Thanh tra TPHCM, UBND quận Tân Phú cũng có nhiều thiếu sót.

Cụ thể, tính đến hết năm 2019, trên địa bàn quận có 1.062 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân và một tổ chức nợ tiền sử dụng đất gần 550 tỷ đồng. Tính đến thời điểm thanh tra còn 224 nhà, đất do quận đang quản lý chưa được sắp xếp, xử lý theo quy định. Việc quản lý, sử dụng, cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Đội quản lý nhà quận Tân Phú còn có nhiều hạn chế, thiếu sót. Tính đến ngày 30-6-2020, số tiền cho thuê nhà ở, nhà xưởng chưa thu được để nộp ngân sách nhà nước là gần 2 tỷ đồng. Riêng tiền thuế đất chưa thu để nộp ngân sách ước tính đến giữa tháng 7-2020 là hơn 5,5 tỷ đồng.

UBND quận Tân Phú cũng chưa thực hiện công khai đồ án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và 3 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TPHCM phê duyệt tại trụ sở UBND quận.

Các tin khác