Khó thoát khỏi “cái bóng” của cha
Việc bổ nhiệm bà diễn ra 2 ngày sau khi tòa án Thái Lan bãi nhiệm người tiền nhiệm của bà là Srettha Thavisin, cũng là người của Đảng Pheu Thai, sau chưa đầy 1 năm nắm quyền vì những cáo buộc vi phạm đạo đức. Trước đó, cuộc bầu cử vào tháng 5-2023, đã cho thấy cách Thái Lan phát triển và "nhân tố Thaksin" đã phần nào mất đi sức hút với cử tri.
Ông Punchada Sirivunnabood, PGS. khoa học chính trị tại Đại học Mahidol, cho biết: "Tầng lớp trung lưu và cử tri trẻ không quan tâm đến Thaksin". Chính vì vậy, thách thức chính của Paetongtarn là đảm bảo mức độ ủng hộ mà cha bà đã từng có, một viễn cảnh mà các chuyên gia chính trị cho rằng khó có thể xảy ra.
PGS. Punchada nói: "Để Pheu Thai tự cứu mình, nền kinh tế sẽ phải thịnh vượng, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng 2 chữ số, và đảng này cũng cần hiện thực hóa không chỉ một mà là một vài chính sách đã hứa".
Paetongtarn sẽ trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của Thái Lan, và là thành viên thứ tư của gia tộc Shinawatra nắm giữ vị trí cao nhất sau cô bà là Yingluck, chú rể Somchai Wongsawat, và cha bà là ông Thaksin. Người phụ nữ 37 tuổi này được nhiều người coi là một "người đại diện" khác của ông Thaksin.
Song theo PGS Punchada: "Việc xóa bỏ hình ảnh đó sẽ vô cùng khó khăn". Các chuyên gia chính trị cũng nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Paetongtarn cũng như khả năng đưa đảng Pheu Thai trở lại đúng hướng. Người Thái có câu ví von: “Thaksin nghĩ, Yingluck hành động”, và bây giờ sẽ là “Thaksin nghĩ, Paetongtarn hành động”.
Câu hỏi về kinh nghiệm chính trị
Được biết đến với biệt danh “Ung-Ing”, Paetongtarn là con gái út của tỷ phú Thaksin Shinawatra, người đứng đầu triều đại chính trị đã thống trị hầu hết các cuộc bầu cử ở Thái Lan kể từ đầu thế kỷ này.
Paetongtarn theo học khoa học chính trị tại trường Đại học Chulalongkorn danh tiếng của Thái Lan, và sau đó nhận bằng Thạc sĩ quản lý khách sạn quốc tế của Đại học Surrey (Anh). Năm 17 tuổi, bà trở thành tâm điểm chú ý khi làm việc bán thời gian tại McDonald's và được cha mình ghé thăm.
Bà kết hôn với Pidok Sooksawas, một phi công thương mại. Cặp đôi có 2 đứa con, một bé trai được Paetongtarn sinh ra khi bà đang trong chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử năm ngoái.
Kinh nghiệm chuyên môn của Paetongtarn từ năm 2011 cho đến khi tham gia chính trường, đều liên quan đến đế chế kinh doanh của gia đình Shinawatra, bao gồm sân golf, bất động sản, khách sạn và viễn thông. Cho đến đầu năm nay, bà vẫn được liệt kê là Giám đốc điều hành mảng kinh doanh khách sạn của Rende Development Co., do chị gái bà là Pintongta Shinawatra Kunakornwong làm CEO.
Hiện tại, bà là cổ đông lớn nhất của công ty bất động sản giao dịch công khai SC Asset Corp. Pcl, với 28,5% cổ phần trị giá khoảng 5,2 tỷ baht (152 triệu USD), theo dữ liệu của Bloomberg. Trước khi nhậm chức Thủ tướng, Paetongtarn đã phải từ bỏ các vai trò kinh doanh của mình và tuân thủ các quy tắc sở hữu cổ phần, theo luật pháp Thái Lan.
Paetongtarn chính thức bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình khi gia nhập Pheu Thai vào năm 2021, với tư cách là Giám đốc Ủy ban Đổi mới và Hòa nhập của đảng. Hai năm sau, bà dẫn đầu chiến dịch tranh cử của Pheu Thai, và ra tranh cử với tư cách là 1 trong 3 ứng cử viên Thủ tướng, cam kết chấm dứt gần một thập kỷ lãnh đạo của chính quyền liên kết với quân đội do Prayuth Chan-ocha đứng đầu.
Ông Thaksin bị lật đổ vào năm 2006, và Chính phủ của cô bà là Yingluck bị lật đổ vào năm 2014. Gia tộc Shinawatra bị coi là mối đe dọa trong hơn một thập kỷ bởi giới tinh hoa bảo hoàng kiểm soát một số tổ chức và doanh nghiệp quyền lực nhất của quốc gia.
Trớ trêu thay, giờ đây bà lại phụ thuộc vào những người bảo thủ ủng hộ hoàng gia mà Pheu Thai đã liên minh để thành lập chính phủ. Ông Thaksin đã đạt được thỏa thuận vào năm ngoái để trở về Thái Lan sau hơn 1 thập kỷ lưu vong trong khi phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng.
Đối mặt nhiều thách thức
Khi vận động tranh cử với tư cách là ứng cử viên Thủ tướng vào năm ngoái, Paetongtarn đã đưa ra những lời hứa bao gồm giảm chi phí giao thông công cộng, mở rộng phạm vi bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tăng gấp đôi mức lương tối thiểu. Nhiệm vụ khó khăn nhất của bà trước mắt là phục hồi nền kinh tế trì trệ của quốc gia Đông Nam Á này, mà cựu Thủ tướng Srettha không đạt được nhiều tiến triển trong nhiệm kỳ của mình.
Chương trình phát tiền mặt chủ lực của đảng là "ví kỹ thuật số" trị giá 10.000 baht (tương đương 279 USD) cho người Thái, đã phải đối mặt với nhiều lần trì hoãn.
Bà Puangthong nhấn mạnh: "Với 25 triệu người Thái đã đăng ký hưởng lợi từ chương trình này, đảng Pheu Thai sẽ phải đối mặt với khủng hoảng hình ảnh nếu chính sách này không thể được thực hiện". Ngoài việc giải quyết những thách thức về kinh tế, Paetongtarn còn phải tránh các cuộc đảo chính quân sự và phán quyết của tòa án có thể đã phế truất nhiều nhà lãnh đạo Thái Lan trong quá khứ.
Pheu Thai và những người lãnh đạo tiền nhiệm của nó không có thành tích tốt trong việc nắm giữ quyền lực. Ngay bản thân Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006, nhưng đồng minh thân cận của ông, cố Thủ tướng Samak Sundaravej, chỉ tại vị được 9 tháng; anh rể của ông là Somchai Wongsawat chỉ làm Thủ tướng trong một thời gian ngắn vào năm 2008; và em gái ông là Yingluck cũng chịu chung số phận vào năm 2014.
Giống như vụ sa thải Srettha hôm 14-8, những cựu lãnh đạo này, những người được coi là "người đại diện" của Thaksin, đều bị lật đổ theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Năm 20 tuổi, bà Paetongtarn đã chứng kiến xe tăng quân sự tuần tra trên đường phố Bangkok lúc quân đội giành quyền lực từ tay cha mình. Hai năm sau, bà chứng kiến cha mình rời khỏi Thái Lan để tránh một bản án tham nhũng được cho là có động cơ chính trị.
Người phụ nữ 37 tuổi này được nhiều người coi là "người đại diện" khác của ông Thaksin. Song theo PGS Punchada, việc xóa bỏ hình ảnh đó sẽ vô cùng khó khăn. Còn các chuyên gia chính trị cũng nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Paetongtarn, cũng như khả năng đưa đảng Pheu Thai trở lại đúng hướng.