Cùng với đó, gần đây lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm cho thấy các ngân hàng thương mại đang gặp khó vì không có khách vay. Khi lãi suất giảm mạnh, các kênh đầu tư như bất động sản sẽ luôn được coi là một kênh đầu tư tốt bởi vẫn có thể sinh ra 2 dòng lợi nhuận từ khai thác kinh doanh cho thuê hoặc kỳ vọng tăng giá theo thời gian.
Đánh giá về yếu tố quan trọng nhất của thị trường bất động sản là dòng vốn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phân tích, bước sang năm 2021, nguồn vốn này sẽ hồi phục mạnh mẽ căn cứ vào nhiều yếu tố như kinh tế tăng trưởng và khả năng tăng thu nhập của người dân; dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục được thu hút mạnh nhờ xu hướng chuyển dịch đầu tư và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đi vào thực thi hiệu quả.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng kỳ vọng được nâng hạng trong một vài năm tới cũng như Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021 sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn đầu tư tư nhân phát triển, kể cả quỹ tín thác đầu tư bất động sản.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2020, quy mô về nguồn vốn tín dụng bất động sản đạt 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế, không kể cho vay xây dựng. Trong số này, cho vay nhà ở chiếm 63%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản.
Về vốn tư nhân, tính đến hết tháng 8/2020, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết đạt 397.000 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ dần quay trở lại với dòng vốn đầu tư mới kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường bất động sản dự kiến phục hồi trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Về nguồn vốn FDI đến tháng 9/2020, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng ở vị trí thứ 3 sau lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký gần 3,2 tỷ USD.
Hiện nay những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 3000 tỷ đồng tại các quỹ phát triển nhà ở xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có những tác động tích cực tới đà phục hồi của thị trường bất động sản.
Nguồn vốn này được kỳ vọng có thể tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng vào năm 2021do Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn này từ ngân sách nhằm tiếp tục hỗ trợ cho vay nhà ở.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng được coi là yếu tố sẽ góp phần tác động tích cực đến thị trường bất động sản nhất là chủ trương giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy mạnh ở giai đoạn năm 2020-2021. Dòng vốn đầu tư này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực xây dựng và bất động sản; trong đó có tính đến cả lợi ích lan tỏa từ việc cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện.