Số liệu thống kê Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa công bố cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng qua chỉ ở mức 4,6%.
Trong khi đó, dự báo mức tăng trưởng 5,2-5,3%. Nếu để khẳng định một cách chắc chắn, tăng trưởng xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu là những chỉ tiêu cán đích kế hoạch sớm nhất.
Trong 11 tháng, cả nước đã xuất khẩu được 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; cả năm ước đạt 114 tỷ USD, vượt khá xa kế hoạch đề ra. Trong khi đó, với nhập siêu ước tính sau 11 tháng chỉ là 14 triệu USD, dự báo cả năm khoảng 500 triệu USD, thì đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, nhập siêu ở mức thấp nhất.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tăng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm nay, nhưng không phải do các yếu tố tích cực, như hiệu quả đầu tư, năng suất lao động cao hơn, cung hàng hóa, dịch vụ tăng cao hơn...
Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư, năng suất lao động chưa có sự cải thiện đáng kể. Còn về cung hàng hoá và dịch vụ, tăng trưởng kinh tế bị suy giảm ở mức thấp nhất so với 12 năm trước đó và thấp xa so với mục tiêu đề ra...
Nói cách khác, CPI tăng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra, một mặt do 2 năm trước đã tăng quá cao, làm số so sánh cao lên; mặt khác chủ yếu là sự sụt giảm của tổng cầu, cả về đầu tư, sản xuất, tiêu dùng. Tỷ lệ đầu tư/GDP giảm mạnh từ 41,9% năm 2010 xuống còn 34,6% năm 2011 và dự báo còn 29,5% trong năm 2012.
Có thể nói, với CPI tháng 11 chỉ tăng 0,47% so với tháng trước, khiến lạm phát tính đến nay mới là 6,52%, thì khả năng kiềm giữ lạm phát năm 2012 ở mức dưới 8% là trong tầm tay. Những chỉ tiêu trên đây ít nhiều cho thấy mục tiêu lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 là ổn định kinh tế vĩ mô đã có thể đạt được.
Song ở khía cạnh tăng trưởng hợp lý, nếu lâu nay chúng ta vẫn lấy ngưỡng 5,5-6% là con số “hợp lý” để đảm bảo tạo việc làm và an sinh xã hội, năm nay nhiều khả năng không đạt được. Chuyện không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% là chắc chắn, nhưng ngay cả việc đạt mức dự báo mà Chính phủ chỉ đưa ra 1 tháng trước đây - khoảng 5,2-5,3% cũng không đơn giản.
Khả năng kiềm giữ lạm phát năm 2012 dưới 8% là trong tầm tay. |
Nền kinh tế chỉ còn “một bước chân” nữa để đi hết năm kế hoạch 2012. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy bước chân phía trước vẫn lắm gập ghềnh và khả năng đạt được một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của năm nay là không cao.
Khoảng nửa cuối năm nay, sau khi Chính phủ áp dụng nhiều giải pháp để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tuy chỉ số sản xuất công nghiệp có dấu hiệu nhích lên khả quan, song cũng chỉ xoay quanh con số 4,7-4,8%. Điều này tất yếu ảnh hưởng đến chỉ số sản xuất công nghiệp của cả năm và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Thực tế, có 3 điểm mấu chốt cơ bản của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và tái cơ cấu nền kinh tế. Nhìn vào mục tiêu tổng quát này, trước mắt có thể tạm thời yên tâm với mục tiêu thứ nhất, lo ngại với mục tiêu thứ hai và đầy băn khoăn với mục tiêu thứ ba.
Năm 2012, ngoại trừ các động thái có thể coi là khá tích cực với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhìn chung kế hoạch tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế chưa có những bước đi thực sự mạnh mẽ. Ngay cả Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cho tới thời điểm này vẫn chưa được thông qua.
Năm 2012 sắp kết thúc, năm 2013 sắp bắt đầu. Cần nhìn rõ 2012 để lo cho 2013, bởi nhiều dự báo cho thấy kinh tế năm tới vẫn còn rất nhiều thách thức, sản xuất - kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục suy giảm.
Trong khi đó, chuyện ổn định kinh tế vĩ mô có thể sẽ khó khăn hơn, bởi lạm phát năm tới có thể sẽ tăng trở lại. Tái cơ cấu kinh tế, câu chuyện dài kỳ vẫn chưa tìm được điểm mấu chốt. Xem ra, còn quá nhiều việc cần phải làm để chuẩn bị cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Điều cốt yếu là cần tiến hành thực hiện ngay từ bây giờ.