NHNN: Giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 2% để hỗ trợ doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Đại diện các doanh nghiệp mong muốn tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp hiện tại.
Doanh nghiệp mong muốn được giảm thêm lãi suất. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Doanh nghiệp mong muốn được giảm thêm lãi suất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Các ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm 1,5%-2% đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.”

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà tại hội nghị “Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” chiều ngày 28/9.

Dư nợ nhiều lĩnh vực sụt giảm

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Bắc - Vụ phó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết trong quý 3/2023, các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, như giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, triển khai nhiều gói vay ưu đãi, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh...

Tính đến ngày 31/8, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%).

Trong số đó, tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất tăng 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỷ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ông Bắc cho hay tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên lại có sự sụt giảm; trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 9,78%.

Bên cạnh đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm 23,79%, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 53%, giảm 2,64%, dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh tới 38,59%.

Dẫn chứng cho sự ảnh hưởng của khó khăn chung, ông Nguyễn Viết Sáng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt tại Bắc Ninh (LPBank) cho hay tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đang bị âm.

"Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tăng trưởng mới được 450 tỷ đồng dư nợ nhưng tăng mới không đủ đắp được các khoản trả nợ của khách hàng... Các chi nhánh họp giao ban hàng tuần, lên kế hoạch kinh doanh từng ngày nhưng vẫn không có tăng trưởng nhiều," ông Sáng nói.

Lãnh đạo của LPBank cho rằng nguyên nhân chính là khả năng hấp thụ của nền kinh tế và từ phía khách hàng, một phần là do ngân hàng còn thận trọng trong quá trình cho vay.

"Ngân hàng đang thừa vốn, chúng tôi tìm mọi cách đẩy vốn ra nhưng doanh nghiệp không hấp thụ được. Trong khi đó, lãi suất đã giảm đến mức không thể giảm được nữa, giảm nữa thì ngân hàng sẽ lỗ," ông Sáng chia sẻ.

Cần các chính sách chuyên biệt

Mặc dù toàn ngành ngân hàng nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Bắc Ninh nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Thảo Phát chia sẻ trong giai đoạn hiện nay, mặc dù Chính phủ đã mở cửa lại hầu hết các ngành nghề và đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hồi phục sau thời gian khá dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hồi sinh mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động lớn như hiện nay.

Bà Hồng cho rằng các doanh nghiệp đang rất cần thêm các chính sách chuyên biệt về cơ chế mang tính đặc thù, chính sách tài chính, nguồn vốn tín dụng ưu đãi... của các hệ thống ngân hàng dành cho các doanh nghiệp. Không chỉ là vốn, lãi suất, mà các chính sách vĩ mô khác, trong đó có thu hút đầu tư, phát triển thị trường vốn, chính sách về thuế, phí… sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sau hậu COVID-19.

Bà Hồng mong muốn các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp hiện tại đồng thời Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ, xây dựng và sớm ban hành Nghị định hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp theo từng thời điểm ngắn hạn bám sát tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp.

Đại diện một doanh nghiệp khác cũng cho rằng các tổ chức tín dụng cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp khó khăn. Mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng khỏe, doanh nghiệp yếu thì ngân hàng cũng khó khăn. Tinh thần đồng hành và chia sẻ là rất quan trọng.

“Vì vậy, vấn đề hỗ trợ trả nợ đi đôi với vấn đề dòng vốn tín dụng tiếp sức cũng phải đảm bảo nhanh và kịp thời cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời,” đại diện doanh nghiệp trên cho biết.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp về các vấn đề tiếp cận tín dụng như lãi suất, điều kiện tín dụng, trình tự vay vốn, tài sản bảo đảm... của doanh nghiệp.

Phó Thống đốc chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn của khách hàng theo hướng tinh gọn, trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, đồng bộ chứng từ trong hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh việc chuyên môn hóa chức năng, nhiệm vụ các nhóm công việc, các khâu trong quy trình cho vay, áp dụng công nghệ để tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ khách hàng. Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.

Về lãi suất, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Công khai các loại phí đối với khách hàng liên quan đến các hoạt động tín dụng, thanh toán và dịch vụ tiền tệ khác.

Các tin khác