NHNN ồ ạt phát hành tín phiếu, bình thường hay bất thường?

(ĐTTCO) - Ngày 21-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quay lại phát hành tín phiếu trên thị trường mở sau hơn 6 tháng tạm ngưng.
NHNN ồ ạt phát hành tín phiếu, bình thường hay bất thường?

Trải qua 7 phiên phát hành tính đến ngày 29-9, tổng cộng khoảng 93.800 tỷ đồng tín phiếu được chào bán thành công với kỳ hạn 28 ngày. Ngay sau động thái mở lại kênh tín phiếu, thị trường chứng khoán (TTCK) đã lao dốc, vậy điều này bình thường hay bất thường?

Thực ra, việc mua vào hay chào bán tín phiếu cũng chỉ là một nghiệp vụ bình thường của nhà điều hành để điều tiết thanh khoản hệ thống. Ở giai đoạn hiện tại, NHNN chào bán tín phiếu cũng là lẽ dĩ nhiên. Bởi thanh khoản VNĐ trên hệ thống rất dồi dào, do các NH khó cho vay nhưng huy động lại tốt lên. Hơn nữa, thặng dư thương mại 9 tháng đạt hơn 21 tỷ USD và tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam đạt gần 20,21 tỷ USD. Tương ứng với lượng ngoại tệ mua vào, một lượng tiền đồng được bơm ra thị trường.

NHNN phát hành tín phiếu cũng để điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất VNĐ trên liên NH, giúp giảm mức chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ. Điều này đã được nhiều tổ chức chỉ ra khi chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ vừa qua đã tạo sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ, tạo áp lực dòng vốn rút ra khỏi thị trường Việt Nam.

Tỷ giá tại các NHTM vừa qua đã tăng mạnh, từ dưới mức 24.000 đồng/USD đã lên mốc 24.500 đồng/USD chỉ trong thời gian ngắn. Hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Có quan điểm cho rằng tại sao không chọn công cụ trái phiếu mà là tín phiếu? Có thể thấy công cụ trái phiếu chính phủ hiện nay cũng khó hỗ trợ. Hồi tháng 5, Bộ Tài chính cho biết do nghẽn giải ngân đầu tư công nên đang phải gửi 1 triệu tỷ đồng vào NH với lãi suất 0,8%/năm. Số liệu đến cuối tháng 8-2023, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 299.447 tỷ đồng, chỉ đạt 42,3% kế hoạch năm được giao.

Chính vì vậy kế hoạch phát hành trái phiếu 3 năm là 30.000 tỷ đồng, nhưng cho tới nay kỳ hạn này chưa được gọi thầu. Đặc biệt, lãi suất cũng giảm sâu cho thấy Chính phủ cũng đang trong tình trạng thừa tiền và giảm nhu cầu huy động vốn, không nhất thiết phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Đó cũng là nguyên nhân NHNN phải sử dụng kênh tín phiếu vào lúc này.

Vậy câu chuyện này liên quan gì đến TTCK? Thực ra việc này rơi vào thời điểm giới đầu tư trên TTCK đang lo lắng khi TTCK liên tục tăng, một số tổ chức muốn kìm thị trường lại nên tung tin này ra.

Do vậy giới đầu tư đang quy kết sự lao dốc của TTCK là do hành động của NHNN. Từ đó họ đưa ra suy đoán, NHNN hút tiền về qua kênh tín phiếu và lãi suất sẽ tăng. Nhưng minh chứng là sau 7 phiên phát hành tín phiếu, lãi suất vẫn bình thường, và có thể trong tương lai NHNN vẫn giữ lãi suất ở mức độ như vậy.

Nhưng cũng phải thừa nhận có những điểm không bình thường trong hoạt động phát hành tín phiếu vừa qua. Đó là nhà điều hành đã sử dụng nghiệp vụ này một cách bị động. Cụ thể, thặng dư thương mại đã tích trữ từ đầu năm và dòng vốn FDI cũng không đột ngột giải ngân mà diễn ra suốt 9 tháng qua, nên hoạt động mua vào ngoại tệ cũng phải diễn ra trong thời gian tương ứng.

Hơn nữa, một thời gian dài công cụ tín phiếu để điều tiết thanh khoản vắng bóng trên thị trường, nay NHNN đột ngột sử dụng trở lại và phát hành một lúc hơn 90.000 tỷ đồng khiến thị trường suy diễn.

Phải chăng việc hút tiền về hiện tại có liên quan đến việc hỗ trợ tái cấu trúc một NH? Phải chăng thanh khoản hệ thống NH dư thừa nhiều đang có dấu hiệu có thể kích hoạt lạm phát kỳ vọng nên NHNN hút tiền nhanh chóng?

Rất nhiều giả thiết được đặt ra sau hành động này cũng là lẽ đương nhiên.

Sự thiếu chủ động trong chính sách điều tiết cùng với việc tiếp cận thông tin không đầy đủ như trên, NHNN cũng không giải thích về hiệu quả của việc phát hành tín phiếu trong quá khứ và hiện tại, đã làm tăng suy diễn và lo ngại sắp tới NHNN sẽ còn hút nhiều tiền về.

Các tin khác