NHNN cho biết, trong thời gian qua đã tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền (nếu có), yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra nhằm phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24.
Đợt 1 vào tháng 5-2022, NHNN đã chỉ đạo NHNN chi nhánh TP Hà Nội và chi nhánh TPHCM thành lập các đoàn kiểm tra một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng có trụ sở chính trên địa bàn.
Đợt 2 vào tháng 7-2022, NHNN đã mở rộng địa bàn thanh tra, kiểm tra qua việc yêu cầu chi nhánh NHNN tại 63 tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn triển khai thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh vàng.
NHNN đã báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Tháng 7-2022, NHNN đã tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách bao gồm: Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và 33 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Các đại biểu tại cuộc họp này đều thống nhất đánh giá những thành công của Nghị định 24 và chính sách chấm dứt huy động, cho vay vàng của NHNN những năm qua là bước tiến quan trọng để ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, loại bỏ tình trạng vàng hóa ra khỏi hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô trong nước, báo cáo cho biết.
Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và hiệp hội kinh doanh vàng và xây dựng Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24 trong năm 2023.