Nhu cầu đường bay đi/đến Tân Sơn Nhất đứng đầu cả nước trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

(ĐTTCO)-Các hãng hàng không bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận chuyển của hành khách trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Nhu cầu đường bay đi/đến Tân Sơn Nhất đứng đầu cả nước trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 được nghỉ 5 ngày (từ ngày 30/4-4/5), các đường bay từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đi đến các địa điểm du lịch đang có giá vé máy bay cao, thậm chí một số chặng đã gần như hết chỗ.

Vé bay giá cao

Khảo sát trên các trang bán vé của các hãng hàng không, nếu khách đi ngày 30/4, chặng Hà Nội-Phú Quốc của Vietnam Airlines giá vé 4,38 triệu đồng, vé hạng thương gia không còn; Vietjet Air có 4/5 chuyến bay đã hết sạch vé, chuyến còn lại giá vé lên tới 4,3 triệu đồng.

Đường bay Hà Nội-Đà Nẵng, vé phổ thông trên các chuyến bay ban ngày và đầu giờ tối của Vietnam Airlines và Vietjet đã cạn vé, chỉ còn sau 20h với giá vé dao động 2,4-2,5 triệu đồng. Bamboo Airways chỉ còn vé thương gia với mức giá hơn 4,5 triệu đồng.

Chặng Hà Nội-Nha Trang của Vietnam Airlines chỉ còn vé phổ thông đặc biệt với giá vé lên tới 4,6 triệu đồng, vé thương gia gần 7,2 triệu đồng; Vietjet Air có 4/5 chuyến bay đã hết vé, riêng chuyến cuối cùng trong ngày giá vé dao động từ 3,6-5 triệu đồng.

Đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, giá vé của Vietnam Airlines và Vietjet dao động từ 3,6-3,7 triệu đồng. Bamboo Airways có mức giá từ 2,5-3,4 triệu đồng.

Ở chiều ngược lại, nếu khách đi ngày 4/5, đường bay Phú Quốc-Hà Nội, hãng bay Vietjet đã hết sạch vé bán; Vietnam Airlines phải bay quá cảnh qua Thành phố Hồ Chí Minh và giá vé từ 6,3-7,9 triệu đồng.

Chặng bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội vé Vietjet thấp nhất là 3,3 triệu đồng; Vietnam Airlines có mức giá gần 3,8 triệu đồng và Bamboo Airways dao động từ 3,3-3,7 triệu đồng.

Vietjet Air khai thác 5 chuyến bay trên hành trình Nha Trang-Hà Nội thì có tới 3 chuyến đã cạn vé. Những chuyến còn lại giá vé dao động từ 3,6-5 triệu đồng. Vietnam Airlines chỉ còn một ghế duy nhất tại ghế ngồi phổ thông nhưng mức giá lên tới hơn 3,74 triệu đồng.

Hành khách làm thủ tục trước khi lên máy bay tại Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện Vietnam Airlines cho biết trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ cung ứng hơn 610.000 chỗ, tương đương hơn 3.200 chuyến bay nội địa, tăng lần lượt 35% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Hãng sẽ tăng tải tập trung trên các đường bay trục và du lịch trọng điểm như giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các điểm đến nổi bật gồm Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Huế, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Pleiku, Chu Lai, Đồng Hới…, nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển, thăm thân và nghỉ dưỡng đang ngày một tăng cao trong dịp lễ lớn. Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy chuyến bay trên một số đường đạt 70-80%,” đại diện Vietnam Airlines thông tin thêm.

Nhiều đường bay đến điểm du lịch đã gần hết vé

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến thực hiện 7.536 chuyến bay (trung bình 685 chuyến/ngày), tăng tương ứng 24% và 21%; cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế, tăng tương ứng 20% so với lịch bay khi chưa tăng chuyến và 22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là các đường bay đi/đến Thành phố Hồ Chí Minh với 5.083 chuyến (trung bình 462 chuyến/ngày), tăng tương ứng 21% và 21%; cung ứng đạt 1,03 triệu ghế, tăng tương ứng 21% và 21,9%.

Riêng đường bay kết nối Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến khai thác 1.261 chuyến, tăng tương ứng 8% và 16%; cung ứng 305 nghìn ghế, tăng tương ứng 7% và 11% so với lịch bay khi chưa tăng chuyến và cùng kỳ năm 2024.

Nhiều đường bay đến điểm du lịch đã gần hết vé trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân được thuận lợi, an toàn, Cục Hàng không đề nghị các hãng hàng không bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận chuyển của hành khách; theo dõi tình hình mở bán trên các đường bay, kịp thời bổ sung chuyến bay trên đường bay có nhu cầu cao, tăng cường khai thác vào các khung giờ thấp điểm, khung giờ đêm; thông báo sớm kế hoạch tăng chuyến tới các cảng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không để chủ động thống nhất, bố trí nguồn lực phục vụ; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về khai thác, hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến vì lý do của hãng hàng không; duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ.

Hãng bay thực hiện đúng các quy định pháp luật về giá vận chuyển hàng không nội địa, triển khai bán vé trong phạm vi khung giá và chính sách giá vận chuyển nội địa của hãng; tăng cường kiểm soát công tác bán vé của đại lý bán vé; đảm bảo giá bán của đại lý bán vé theo đúng quy định; thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của người vận chuyển đối với hành khách trong trường hợp chuyến bay bị hủy, chuyến bay bị chậm kéo dài.

ACV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí vị trí đỗ thuận lợi nhất cho các tuyến xe buýt đang hoạt động tại cảng hàng không để hành khách dễ dàng nhận biết và sử dụng dịch vụ xe buýt, phối hợp với Sở Xây dựng địa phương để có phương án trung chuyển hành khách khi xảy ra ùn tắc tại khu vực cảng hàng không./.

Với ngành Đường sắt, theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tính đến sáng ngày 17/4, số vé bán ra là 76.000 vé, chiếm 60% số lượng vé cung ứng đợt nghỉ lễ này.

“Dự kiến từ giờ đến kỳ nghỉ lễ, lượng khách mua vé tàu vẫn tiếp tục tăng, nhất là với tàu khu đoạn, chặng ngắn. Với tuyến Hà Nội-Hải Phòng, ngoài những tuyến chạy thường xuyên trong ngày, vẫn sẽ chạy thêm 5 chuyến nữa. Với 6 đôi tàu khu đoạn như Hà Nội-Vinh, Hà Nội-Đà Nẵng, Sài Gòn-Nha Trang... tổng cộng chạy thêm 32 chuyến để phục vụ người dân,” lãnh đạo VNR cho biết.

Các tin khác