Những dấu ấn kinh tế số, ngân hàng số và hạ tầng chiến lược năm 2024

(ĐTTCO) - Nghị quyết số 57 của Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cùng với việc TPHCM vận hành tuyến metro đầu tiên là sự kiện nổi bật về kinh tế số, ngân hàng số và hạ tầng chiến lược năm 2024.

Đột phá công nghệ trong kỷ nguyên mới

Ngày 22-12, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

ttxvn-tong-bi-thu-to-lam-6079_jp.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh TTXVN

Nghị quyết 57 ban hành trong bối cảnh làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Việt Nam nổi lên như một trung tâm hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Hàng loạt hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Meta, Google, Qualcomm, Foxconn, SpaceX, Apple, Lam Research, Qorvo… đều đã và đang tiến hành các dự án đầu tư lớn vào Việt Nam.

Cuối năm 2024, thế giới chứng kiến Nvidia - tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đồ họa, công nghệ bán dẫn và điện toán hiệu suất cao chính thức đầu tư vào Việt Nam qua xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thứ 3 của hãng trên toàn cầu (chỉ sau Mỹ và Ðài Loan - Trung Quốc); một trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI); và mua lại VinBrain - startup AI thuộc Tập đoàn Vingroup.

Cũng trong năm 2024, Galaxy Innovation Hub - Trung tâm Đổi mới sáng tạo được HDBank đưa vào vận hành đầu năm 2024 tại Khu công nghệ cao TPHCM trở thành một mô hình tiêu biểu trên hành trình chinh phục công nghệ và số hoá, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo. Galaxy Innovation Hub nhanh chóng kiến tạo không gian kết nối toàn cầu, nơi HDBank hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Nidec, Nipro (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Intel, Facebook và Google (Hoa Kỳ)…

Tại Galaxy Innovation Hub, hồi tháng 7, Ngân hàng số Vikki đã ra đời, đánh dấu bước tiến quan trọng của một ngân hàng số thế hệ mới trong xu thế tương lai của thị trường tài chính toàn cầu. Vikki được xây dựng với tầm nhìn là ngân hàng số tiên phong với công nghệ hàng đầu như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, big data, mang đến giải pháp tài chính không giới hạn: từ ngân hàng, tài chính, tiêu dùng, tích lũy, đến đầu tư.’

Vận hành C4IR tại TPHCM

Ngày 25-9, Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TPHCM chính thức vận hành. C4IR TPHCM là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), là C4IR thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Malaysia) và thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF.

z5865489122709-8400453aaba86f3-3460-3954-1727258505.jpg

Trung tâm có 10 thành viên sáng lập, trong đó có ĐH Quốc gia TPHCM, Khu Công nghệ cao TPHCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn CMC, Công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn, Techcombank, HDBank…

Đây cũng là những đầu tàu trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và cam kết phát triển bền vững. Trong đó, những ngân hàng hàng đầu như Techcombank và HDBank đã và đang tiên phong ứng dụng các giải pháp công nghệ cao để phát triển các dịch vụ tài chính thông minh và hiện đại, tối ưu trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro.

Song song với hoạt động của C4IR tại TPHCM, HDBank và các đối tác đã triển khai Quỹ Đầu tư mạo hiểm trị giá 150 tỷ đồng và Quỹ Hỗ trợ phát triển công nghệ cao trị giá 100 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ các startup và công ty công nghệ phát triển bền vững.

Việc hợp tác với WEF và chính thức vận hành C4IR tại TPHCM được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho TPHCM, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho cả nước.

Vận hành tuyến metro đầu tiên

Năm 2024, nhiều dự án hạ tầng chiến lược trên cả nước đã về đích, tạo bước chuyển mình ngoạn mục tại nhiều địa phương trên cả nước và trong tổng thế kết nối chiến lược quốc gia.

Ngày 22-12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM chính thức vận hành. Sự kiện đánh dấu cột mốc lịch sử trong việc phát triển hạ tầng giao thông chiến lược của TPHCM, mở ra một kỷ nguyên mới trong việc di chuyển hiện đại, thông minh và xanh.

z5305337414137-25ca20b89583ce18a013a1f0fcdc21e5-6009.jpg

Ngay trong ngày đầu tiên vận hành, người dân và du khách đã trải nghiệm các giải pháp số trong thanh toán không tiền mặt khi đi tàu, nổi bật như bộ thẻ VikkiGo với tiện ích “một chạm”. Vikki cũng là ngân hàng số đầu tiên hợp tác và tích hợp tiện ích thanh toán không tiền mặt trên toàn tuyến metro số 1 của TPHCM.

Cùng với dấu mốc lịch sử tại TPHCM, các dự án hạ tầng khác trên cả nước cũng đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Đó là việc đưa vào khai thác thêm 109km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.021km, là cơ sở để hoàn thành mục tiêu trong năm 2025 có ít nhất 3.000km cao tốc, thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau.

Các dự án xây dựng sân bay lớn được thúc đẩy, đặc biệt dự án sân bay Long Thành đang quyết tâm hướng đích cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Trong khi đó, về hạ tầng năng lượng, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc.

Những bước đột phá trong phát triển hạ tầng chiến lược trong năm 2024, từ tuyến metro đầu tiên của TPHCM đến các tuyến cao tốc và dự án năng lượng quan trọng, không chỉ là huyết mạch kết nối vùng miền mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên hành trình hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Quốc hội đồng ý đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao

Ngày 30-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TPHCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.

duong-sat-toc-do-cao.jpg

Quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Hình thức đầu tư công; công nghệ áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1,73 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Chính phủ lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035; dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Kiến tạo động lực mới cho tăng trưởng xanh

Năm 2024, hoạt động ngân hàng Việt Nam đánh dấu bước thành công quan trọng trong nỗ lực kiến tạo nguồn vốn mới cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Những ngân hàng top đầu như Vietcombank, BIDV, Techcombank và HDBank đã tiên phong và lần lượt phát hành thành công trái phiếu xanh - một xu thế mở rộng trên toàn cầu nhưng còn khá mới tại Việt Nam.

Tháng 9, BIDV đã phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh. Tháng 11/2024 đến lượt Vietcombank lần đầu tiên huy động thành công 2.000 tỷ đồng qua công cụ trái phiếu này.

13-1645070314-kinh-te-xanh-ktmt-1.jpg

Tháng 12, HDBank trở thành một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh. Đáng chú ý, trái phiếu xanh do HDBank phát hành đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư, với khối lượng đặt mua thành công đạt 100% chỉ trong thời gian ngắn.

Việc phát hành của những ngân hàng trên đều phải tuân thủ tự nguyện các nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và Hiệp hội Thị trường tín dụng (LMA); theo Khung trái phiếu xanh, Khung tài chính bền vững được tư vấn bởi các tổ chức tài chính quốc tế uy tín và được các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá, như Moody’s với đánh giá “rất tốt” về khung tài chính bền vững của HDBank công bố trong năm 2024.

Đột phá thanh toán xuyên biên giới và ngân hàng số thế hệ mới

Sau nhiều năm chuẩn bị và xây dựng, năm 2024 ghi nhận những bước đột phá của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong kết nối thanh toán xuyên biên giới. Trong năm qua, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đã mở rộng kết nối triển khai cung cấp dịch vụ QR giữa Việt Nam và Thái Lan và thí điểm dịch vụ QR giữa Việt Nam và Lào.

Tính đến năm 2024, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với 3 quốc gia là Thái Lan, Campuchia và Lào. Dự kiến năm 2025 sẽ tiếp tục mở rộng kết nối thanh toán bằng mã QR với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

photo1650370294230-16503702944381797721791.jpg

Cũng trong năm 2024, Việt Nam ghi dấu sự ra đời và phát triển nhanh chóng của những ngân hàng số thế hệ mới. Điển hình như Ngân hàng số Vikki, ra mắt thị trường từ tháng 7/2024 và nhanh chóng nhập cuộc xu thế trên với tiện ích thanh toán xuyên biên giới bằng QR, tiện ích mua bán ngoại tệ, cùng nhiều giải pháp tài chính sáng tạo, tiên tiến và dễ tiếp cận cho cộng đồng.

Vikki cũng là ngân hàng số tiên phong đưa dịch vụ tài chính số đến vùng sâu, vùng xa, qua chương trình hỗ trợ người dân các xã các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi) trong năm 2024, theo chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ. Đây cũng là ngân hàng số thế hệ mới đầu tiên tích hợp tiện ích thanh toán “một chạm” trong giao thông thông minh trên toàn tuyến metro đầu tiên của TPHCM ngay khi đi vào vận hành từ ngày 22-12.

Sự phát triển mạnh mẽ và năng động của những ngân hàng số thế hệ mới, cùng những bước đột phát trong thanh toán xuyên biên giới, trong tài chính số thông minh và thanh toán không tiền mặt đang góp phần thúc đẩy phát triển thị trường, kết nối và thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch trong nước cũng như giữa Việt Nam với thế giới.

Ngân hàng quay lại quỹ đạo tăng trưởng

Với các kỳ cập nhật kết quả kinh doanh trong năm 2024, hệ thống ngân hàng thương mại đã ghi nhận sự phục hồi tăng trưởng của nhiều thành viên. Sau giai đoạn suy giảm trong năm 2023, những thành viên Top đầu như Techcombank và VPBank đã lần lượt trở lại quỹ đạo tăng trưởng lợi nhuận.

Trong khi đó hệ thống tiếp tục ghi nhận chuỗi tăng trưởng 11 năm liên tiếp của HDBank, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đầu ngành. Đáng chú ý, Techcombank, VPBank và HDBank cũng chính là những ngân hàng đạt tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao nhất toàn ngành, đạt từ 14% đến trên 15%.

-3832-1728355614_860x0.jpg

Năm 2024, hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục ghi nhận quá trình nâng cao năng lực tài chính, củng cố an toàn hoạt động khi nhiều thành viên gia tăng quy mô vốn điều lệ, triển khai các chuẩn mực Basel III, thực hiện trích lập dự phòng đáp ứng lộ trình của Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn…

Cùng đó, trong năm 2024, quá trình tái cơ cấu hệ thống đánh dấu một giai đoạn mới chưa từng có tiền lệ khi Ngân hàng Nhà nước chính thức chuyển giao các ngân hàng yếu kém. Việc các ngân hàng lớn mạnh tiếp nhận và trực tiếp phục hồi những ngân hàng yếu kém này tạo bước chuyển kỳ vọng cho quá trình phát triển bền vững của toàn ngành.

Những dấu mốc quan trọng trên cũng chính là những kết quả cơ bản, nền tảng để tín dụng toàn ngành tăng trưởng tích cực trong năm 2024, cũng như là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 cao hơn với khoảng 16%, qua đó tiếp tục hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ định hướng.

Các tin khác