Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đặc biệt kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đặt ra những thách thức không nhỏ đối với , đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vừa chống thất thu ngân sách, vừa đảm bảo sự công bằng trong nghĩa vụ thuế giữa lĩnh vực thương mại điện tử và lĩnh vực thương mại truyền thống. Bài toán này đang yêu cầu ngành thuế có những giải pháp để quản lý hiệu quả.
Chính sách thuế đối với thương mại điện tử của Việt Nam hiện nay bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Trong những năm gần đây, chính sách thuế về thương mại điện tử đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tại thời điểm hiện nay, Việt Nam có gần 140 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của thương mại điện tử trong thời gian qua đã tạo ra dự địa lớn tăng thu từ thương mại điện tử.
Tuy nhiên hiện nay, số thuế thu từ lĩnh vực này đang ở mức khá khiêm tốn chưa tương xứng với doanh thu khủng của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam. Việc này có thể gây ra thất thoát cho ngân sách nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Chính người đứng đầu ngành tài chính Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã phải thừa nhận: “Hiện nay chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ."
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khả năng thất thu ngân sách nhà nước từ thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử rất lớn khi các cơ quan quản lý khó giám sát và thu thập thông tin về mua bán kinh doanh trực tuyến.
Phần lớn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam không tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan thuế khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể dễ hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống nhờ công nghệ số có thể bảo mật thông tin trong kinh doanh.
Hiện, có một số tổ chức, cá nhân sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng Việt Nam đang thất thu những khoản thuế từ lĩnh vực này với cả thương mại điện tử xuyên biên giới và thương mại điện tử nội địa.
Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng thường tìm cách né thuế, chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế có sự không chuẩn xác và rất khó có thể kiểm soát được.
Nhiều trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam gây không ít khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện thu thuế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cũng cho biết, trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.
Cùng với đó là hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua các trang mạng điện tử diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, ở tất cả các ngày trong tuần, nên cơ quan thuế cũng khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Chính vì thế, ngày 12/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC về kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới; trong đó chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Nhờ đó, các tổ chức tại Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài đã thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên nền tảng số.
Google là công ty đóng thuế nhiều nhất trong số các công ty xuyên biên giới và nền tảng thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một số cá nhân có thu nhập lớn từ việc cung cấp sản phẩm nội dung số (game online, video, music, clip...) cho các nền tảng Youtube, Apple, Google... đã tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, số thuế thu các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2018 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 770 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.168 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2022, ngành thuế đã triển khai hóa đơn điện tử toàn quốc từ ngày 1/7/2022; ra mắt cổng thông tin điện tử thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và ứng dụng eTax Mobile để thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết sau hơn 8 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 42 cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho cho nhà cung cấp nước ngoài từ nhiều quốc gia như Mỹ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong (Trung Quốc); Ireland; Lithuania; Thụy Sĩ, Australia…; với tổng số thuế đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng.
Trong tháng đầu tiên của năm 2023, thông qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài thu được khoảng 1.800 tỷ đồng.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ triển khai nhiều giải pháp, đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an… để nâng hiệu quả quản lý thuế với .
Tại Đề án "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử," Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục triển khai các hoạt động như tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thương mại điện tử của ngành thuế; tích cực tham gia đàm phán xây dựng nội dung Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số.
Mặt khác, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn, đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử…
Ngành thuế cũng tích cực phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử…"
Ngoài ra, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Tài chính trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại kết nối, cung cấp thông tin số hiệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân trong nước.
Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc nâng cấp ứng dụng tiếp nhận thông tin số liệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân từ 91 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.