Không đạt kỳ vọng
Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với đa số DN Việt Nam do tác động từ dịch Covid-19, thiên tai kéo dài và diễn ra trên diện rộng khiến sức mua hàng hóa giảm sút. Để đón đầu sức mua trong năm 2021, các DN đã chuẩn bị hàng hóa với sản lượng lớn cung ứng cho thị trường Tết Tân Sửu - “tháng vàng” này chiếm tới 30% tổng doanh thu của DN. Điều này có thể lý giải vì sao các DN lại dành nhiều tâm huyết, đầu tư nhiều cho tháng tết.
Kết thúc mùa sản xuất, kinh doanh hàng tết, một số DN chủ lực cho biết, lượng hàng bán ra mới chỉ đạt khoảng 70%-80% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ, toàn bộ sản lượng trứng gia cầm dự trữ đã không được dùng tới. Ngay sau tết, công ty phải triển khai hàng loạt giải pháp như tăng cường chế biến, khuyến mãi mua 1 tặng 1 nhằm giải quyết dứt điểm lượng hàng tồn.
Trong mùa kinh doanh tết, doanh thu các nhóm hàng của Công ty cổ phần Vissan chỉ đạt kế hoạch, không chạm tới mức tăng kỳ vọng (5%-10%) như lượng hàng chuẩn bị. Đáng lưu ý, từ sau tết, dù là DN cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nhưng Vissan cũng không thoát khỏi tình trạng sức mua sụt giảm 15%-20% ở tất cả nhóm hàng. Đây là điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm trước. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho rằng, dù Chính phủ đã kiểm soát khá tốt tình trạng lây lan ổ dịch tại một số tỉnh thành nhưng vẫn tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng khiến sức mua sau tết giảm mạnh.
Ở góc độ bán lẻ, thị trường tết kết thúc muộn và kinh doanh sớm. Có nhiều lý do khiến các chủ cửa hàng kinh doanh trên đường phố kéo dài thời gian mở cửa, trong đó quan trọng nhất là cố gắng bán được nhiều hàng, vừa để tránh hàng tồn, vừa có chi phí trang trải.
Tại nhiều hệ thống siêu thị và cửa hàng bình ổn, chợ đã hoạt động từ sáng mùng 2 Tết nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thông suốt cho người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều hệ thống siêu thị của các DN FDI và các cửa hàng tiện lợi mở cửa liên tục để đón khách. Các nhà kinh doanh cũng đồng loạt tổ chức các chương trình khuyến mãi khủng, thông qua việc giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng. Biểu hiện rõ nhất là tại các siêu thị điện máy, nhiều mặt hàng như tivi, đầu máy, nồi cơm điện… được bán với giá gốc, hoặc hỗ trợ giảm giá bán 30%-40%. Các siêu thị kinh doanh đa ngành cũng bước vào cuộc đua khuyến mãi đối với hàng trăm mặt hàng có mức giảm giá 5%-49%. Tại khu vực các chợ truyền thống, tình trạng chợ vắng vẻ diễn ra rất phổ biến.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Đánh giá chung về sức mua trong năm 2021, nhiều DN nói rằng rất hồi hộp, lo lắng bởi thực chất của vấn đề là do yếu tố khách quan của nền kinh tế, nhất là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi vẫn chưa có vaccine tiêm chủng đại trà cho người dân.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan, cho rằng năm 2021 sẽ nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2020. Nhiều khả năng từ nay đến hết quý 3-2021, sức mua sẽ tiếp tục giảm 15%-20%. Đến quý 4-2021, nếu chúng ta có nhiều vaccine hơn để tiêm chủng cho người dân - xem như “hộ chiếu” mở đường cho giao thương và du lịch phát triển, khi đó mãi lực sẽ tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam, bức tranh bán lẻ đang thay đổi rất nhiều, nhất là chân dung người mua hàng. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2021. Việc mua sắm của khách hàng cũng sẽ được tính toán, chọn lọc một cách kỹ càng hơn. Sản phẩm nào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu và uy tín, nhất là giá cả hợp lý, sẽ tiếp tục thắng thế. Khảo sát của đơn vị này cho thấy những gia đình có thu nhập 6 triệu đồng/tháng trở xuống bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Những nhóm khách trung lưu có thu nhập 8-20 triệu đồng/tháng cũng buộc phải điều chỉnh chi tiêu, chuyển từ các sản phẩm cao cấp sang sử dụng các mặt hàng bình dân hơn, chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm, thức uống…
Theo Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, năm 2021, ngành công thương TP xác định mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp, thương mại với tốc độ tăng trưởng khá, góp phần hồi phục tăng trưởng kinh tế TP, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 835.685 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.
Để thực hiện, sở đang xây dựng, triển khai kế hoạch tổng thể xúc tiến công thương TP năm 2021, trong đó tập trung vào các chương trình như hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành; cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường, giới thiệu mặt bằng cho đơn vị bán lẻ TP để phát triển các điểm bán…
Năm 2021 là năm đầu tiên TPHCM triển khai 2 đợt khuyến mãi tập trung nhằm tạo cú hích trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan mua sắm. Trước mắt, Sở Công thương đang hợp tác với Sở Du lịch xây dựng các tour mua sắm, đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở thêm quầy miễn thuế phục vụ du khách, từng bước đưa TPHCM trở thành trung tâm mua sắm của cả nước và quốc tế.
Sở cũng xây dựng kế hoạch tiếp xúc, làm việc với các hội ngành nghề, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình phát triển và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh để đề xuất TP có các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tiếp cận các chương trình kích cầu đầu tư giúp doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư cho đổi mới, sáng tạo nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Theo số liệu chính thức từ Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2 (tháng cao điểm kinh doanh tết) ước đạt 110.675 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 228.911 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 144.175 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TPHCM. |