Đánh lừa người dùng
Sau gần một tuần bị lừa mất số tiền gần 100 triệu đồng, anh N.C.P. (SN 1990, ngụ TP Thủ Đức) dần hiểu tường tận việc mình “sập bẫy”. Anh kể, ngày 23-3, anh nhận được tin nhắn của người thân tên Th. (đang sống ở nước ngoài) qua Facebook, hỏi mượn số tiền gần 100 triệu đồng.
“Tôi cẩn thận gọi cuộc gọi video để xác tín, thấy ảnh và giọng nói của Th., cho biết đang cần tiền gấp và sẽ gửi lại vào hôm sau. Tin tưởng là người thân mình, tôi liền chuyển tiền”, anh P. cho biết.
Về nhà, anh tá hỏa khi nhận thông báo tài khoản Facebook của Th. đã bị kẻ gian chiếm đoạt, gửi tin nhắn hỏi bạn bè, người thân vay tiền. Anh P. gọi video ngay cho Th. thì vẫn bắt máy, vẫn là khuôn mặt, giọng nói của Th., nhưng âm thanh rất khó nghe, hình ảnh nhòe mờ… Anh P. tiếp tục gọi số điện thoại di động thì mới rõ sự tình, hình ảnh của anh Th. đã bị các đối tượng cắt ghép để lừa đảo.
Giữa tháng 3-2023, chị C.T.N.Y. (SN 1996, ngụ quận 8) cũng bị lừa bằng kịch bản tương tự, số tiền còn lớn hơn. Chị cho hay, đang làm việc ở công ty thì nhận được tin nhắn của bạn thân qua Facebook, mượn 150 triệu đồng để thanh toán tiền đáo hạn ngân hàng. Do biết những cảnh báo lừa đảo trước đó, chị Y. gọi video qua mạng để kiểm chứng. Thấy video hiện lên hình ảnh khuôn mặt bạn thân nhưng khá mờ, âm thanh chập chờn, chị Y. liền thắc mắc; người này trả lời “đang ở vùng sóng yếu”.
Chị Y. tin tưởng, chuyển lần đầu 50 triệu đồng vào số tài khoản theo yêu cầu, gọi video thông báo cho bạn biết trước khi thực hiện chuyển nốt số tiền còn lại. Cuối ngày, không thấy bạn chuyển trả tiền mượn, chị Y. gọi lại nhưng tài khoản không tồn tại. Chị gọi tiếp bằng số điện thoại thì cả hai mới biết tài khoản Facebook trên đã bị các đối tượng chiếm đoạt.
Nhiều hệ lụy
Thời gian gần đây, công an một số địa phương như TP Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang,… liên tiếp phát cảnh báo về chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng lợi dụng công nghệ Deepfake. Tuy nhiên, ngoài mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã khá phổ biến; việc dùng Deepfake để dựng các hình ảnh, video, lời nói giả mạo người nổi tiếng, các chính trị gia vào mục đích xấu cũng không còn hiếm.
Đồ họa: Gia Quảng - Ngọc Trâm |
Trên thế giới, nhiều nhà lãnh đạo Mỹ và ngay cả người sáng lập ra mạng xã hội Facebook là Mark Zuckerberg cũng đã bị “tấn công” bằng Deepfake. Ở Việt Nam đã xuất hiện tình trạng nhiều ca sĩ, người nổi tiếng bị tin tặc dùng công nghệ Deepfake để lừa đảo người tiêu dùng thông qua các chiêu trò quảng cáo bán hàng trực tuyến.
Nguy hiểm hơn, trên một số kênh chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, đã xuất hiện những hình ảnh, video, âm thanh, lời nói giả mạo từ ứng dụng Deepfake tuyên truyền những vấn đề trái với pháp luật Việt Nam; thậm chí bịa đặt trắng trợn về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Những nội dung này được phát tán khá nhiều qua nền tảng YouTube và Facebook, nhưng với rất nhiều người dân, khó có thể phân biệt được thật - giả.
Ông Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, cho biết, có nhiều công cụ hỗ trợ các đối tượng tạo video Deepfake. Tới đây, khi tội phạm mạng tại Việt Nam biết nhiều hơn các cách đánh cắp video và hình ảnh, cắt ghép, dùng những công cụ được hướng dẫn trên mạng để tạo Deepfake, thì đó là lúc diễn ra một làn sóng lừa đảo thế hệ 4.0, khiến nhiều người lâu nay rất khó bị lừa cũng dễ trở thành nạn nhân.
Công an TPHCM cho biết, gần đây nở rộ phương thức gọi điện cho người dân báo là “có con, bạn bè, người thân… cấp cứu ở bệnh viện, phải chuyển tiền”. Với phương thức này, các đối tượng nhắm vào tâm lý sốt ruột, mất bình tĩnh của phụ huynh.
Chỉ trong đầu tháng 3-2023, nhiều phụ huynh ở TPHCM và một số tỉnh thành bị “sập bẫy” và chuyển hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo. Công an TPHCM đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác, tích cực điều tra, xác định đây là tội phạm không biên giới, có gắn kết với người nước ngoài.