Nở rộ lừa đảo thương mại quốc tế

(ĐTTCO)-Sau vụ việc hàng loạt doanh nghiệp ngành điều bị lừa ở thị trường Ý, mới đây lại có công ty thủy sản bị lừa ở Sri Lanka.
Điều, thủy sản, nguyên liệu nhựa là những mặt hàng bị lừa đảo khi xuất khẩu vào đầu năm 2022
Điều, thủy sản, nguyên liệu nhựa là những mặt hàng bị lừa đảo khi xuất khẩu vào đầu năm 2022

Lừa đảo khắp nơi

Tháng 3 vừa qua, Thương vụ VN tại Ma Rốc cảnh báo khẩn: Doanh nghiệp (DN) tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng nhập khẩu lừa đảo có tên trực tiếp giao dịch là Khalid, tên Công ty KN Universe Plastic. Đây là tên mới của Công ty Fisherlab Sarl, có tiền sử lừa đảo đã được cảnh báo từ nhiều năm trước.

Một DN xuất khẩu hàng nhựa nguyên liệu của VN cho biết đối tượng trên thông báo có người nhà bị Covid-19 nên sẽ thanh toán sau để câu giờ, đồng thời cấu kết với các đối tượng liên quan thông quan lô hàng nhưng không thanh toán.

Mới nhất, một DN xuất khẩu thủy sản tại TP.HCM đã gửi công văn “cầu cứu” đến các cơ quan ngoại giao VN về việc đối tác ở Sri Lanka lừa đảo chiếm đoạt 2 lô hàng với giá trị tài sản lên đến gần 113.000 USD. Đối tác tại Sri Lanka là Công ty Northern Star Trading Colombo PVT.

Theo hợp đồng ban đầu, điều kiện giao hàng là CIF Colombo (giao hàng tại cảng Colombo), điều kiện thanh toán là D/P 100%; nhờ thu qua ngân hàng, trả ngay khi xuất trình bộ chứng từ. Sau khi giao hàng và hoàn thành bộ chứng từ của lô hàng đầu tiên, bên mua lấy lý do phí thanh toán D/P qua ngân hàng cao, nên yêu cầu đổi sang phương thức thanh toán T/T.

Đối tác lấy lý do lô hàng phải được hải quan Colombo kiểm hóa và xin giấy phép nhập khẩu, yêu cầu DN VN gửi trước 1/3 vận đơn gốc để thực hiện các thủ tục trên và cam kết sau khi xin được giấy phép sẽ thanh toán đầy đủ tiền hàng để DN VN gửi toàn bộ các chứng từ gốc còn lại. Tuy nhiên, sau khi DN VN gửi 1/3 vận đơn gốc của cả 2 lô hàng thì đối tác đã nhận hàng và biến mất.

Trước đó, hàng loạt DN ngành điều kêu cứu vì nghi bị lừa ở thị trường Ý, với lượng hàng lên đến 35 container bị mất quyền kiểm soát. Theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, đến thời điểm này, những lô hàng hạt điều đưa sang Ý vẫn chưa bị mất, tức là chưa lọt vào tay của các đối tượng thứ ba. Tuy nhiên, hiện DN không kiểm soát được bộ chứng từ và người giữ bộ chứng từ đó hoàn toàn có thể đến làm việc với hãng tàu để nhận hàng và nguy cơ có thể bị mất hàng vẫn còn hiện hữu.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng VN, nạn lừa đảo trong thương mại quốc tế trước đây thường xảy ra ở khu vực châu Phi phổ biến như: Nigeria, Algeria, Ma Rốc, Cameron… nhưng vài năm gần đây, tình trạng lừa đảo đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như: Hà Lan, Na Uy, Mỹ, Canada, UAE...

“Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng tăng lên”, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao VN.

Cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác

TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, khuyến cáo: DN cần phải tìm hiểu kỹ để biết rõ về đối tác bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có thể thông qua các cơ quan ngoại giao. Đối với khách hàng mới, thực hiện các hợp đồng nhỏ trước khi tiến hành các giao dịch lớn.

Bên cạnh đó, DN nên ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán có độ an toàn cao như L/C (thường người mua yêu cầu mở và ký quỹ khi mở, ngân hàng phát tín dụng thư bảo lãnh), mà không nên sử dụng phương thức thanh toán có độ rủi ro cao như D/P (phương thức nhờ thu trả ngay khi xuất trình được chứng từ).

Các chuyên gia khuyến cáo DN nên đề nghị đối tác cung cấp các giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh, ID của người chủ doanh nghiệp… Đặc biệt, lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy khi có đơn hỏi hàng hóa trả giá quá cao, hoặc quá thấp so với mặt bằng. Đối với thanh toán D/P, DN cần đưa ra các mức % đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng, tốt nhất là 50% trở lên.

Một giải pháp kỹ thuật cũng cần được lưu ý là trong giao dịch với đối tác nước ngoài, nên yêu cầu họ sử dụng email chính thức thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ gmail, yahoo... Bên cạnh đó, DN cũng cần liên hệ trực tiếp với đối tác thông qua các đường khác như điện thoại hay fax chính thức.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Thương mại quốc tế là một lĩnh vực khá phức tạp với nhiều quy định, quy tắc khác nhau tùy theo thị trường.

Để tránh rủi ro, không còn cách nào khác là cần những người có chuyên môn sâu. DN cần hoạt động chuyên nghiệp và bền vững hơn vì các cơ quan công quyền ngoại giao không thể suốt ngày đi “giải cứu” DN bị lừa đảo được.

Các tin khác