Nợ xấu đã giảm nhưng vẫn còn cao

(ĐTTCO) - Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD đã có những chuyển biến tích cực.

“Con nợ” đã hợp tác hơn
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) nhận xét, hiệu ứng từ Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 rất tích cực, tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội trong việc chung tay xử lý nợ xấu. Xã hội đã có nhìn nhận tích cực hơn về khoản nợ xấu, đó là do khách hàng gặp khó khăn. Khi có các văn bản pháp lý trên, cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực phối hợp xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ).
Nhiều khách hàng chây ì trong bàn giao tài sản nay đã quay lại hợp tác bàn giao để phát mại, xử lý TSBĐ. VCB đã xây dựng phương án cơ cấu lại nợ đến năm 2020, gắn với xử lý nợ xấu và sau 1 năm xử lý nợ nội bảng và ngoại bảng, trích lập đầy đủ khoản bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), xử lý 6.700 tỷ đồng, đạt 170% kế hoạch, nợ nội bảng từ hơn 2% còn 1,1%. Dự kiến 2020 nợ xấu sẽ khoảng 1% tổng dư nợ.
 Dù tốc độ xử lý nợ xấu đã nhanh hơn nhưng nợ xấu vẫn còn cao, đòi hỏi nỗ lực của TCTD. Để kiểm soát nợ xấu, thanh tra giám sát các cấp phải là cơ quan tham mưu giải quyết tốt các tồn tại vướng mắc mà các TCTD, địa phương đã nêu; tập trung thanh tra theo kế hoạch nhất là những vấn đề rủi ro trong ngành, làm tốt cảnh báo sớm. 
Ông LÊ MINH HƯNG,
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Còn theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Nghị quyết 42 đã tạo biện pháp mạnh để xử lý nhanh nợ xấu khi cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ ngân hàng. Các TCTD đã chủ động hơn và các cơ quan liên quan đã quan tâm hơn; khách hàng có ý thức hợp tác hơn, giảm chây ì cố tình không trả nợ; giải quyết nợ xấu nhanh hơn, hạn chế tẩu tán tài sản.
Lợi nhuận ở hầu hết ngân hàng tăng trong 6 tháng đầu năm đã thể hiện điều đó. Riêng với Agribank, từ 15-8-2017 đến 31-7-2018, ngân hàng đã thu hồi được 57.000 tỷ đồng, tương đương 35% tổng nợ cần xử lý, thu hồi; bán VAMC hơn 5.000 tỷ đồng… 
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC, Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền chủ động trong quan hệ kinh tế, có vay có trả. VAMC đã phối hợp với các TCTD triển khai các bước thu giữ TSBĐ, tiến hành phát mại, mời khách hàng lên làm việc… Quyền của chủ nợ được đảm bảo. Tính đến 15-8 đã thu hồi gần 100.000 tỷ đồng trên 277.000 tỷ đồng nợ gốc VAMC đã mua và quản lý. Trong 100.000 tỷ đồng thu có 48.000 tỷ đồng thu của năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018. 
Từ khi có Nghị quyết 42, VAMC đã có sự phối hợp tốt với TCTD, các bộ ngành, địa phương có sự hỗ trợ tích cực, thu giữ những khoản lớn, dự án bất động sản dở dang mà trước đó khách hàng không hợp tác.  Sau thu giữ, khách hàng phải chấp nhận trả nợ cho VAMC và các TCTD. Ý thức phối hợp, hợp tác của khách hàng với TCTD được nâng lên.
Nợ xấu đã giảm nhưng vẫn còn cao ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Phối hợp chưa đồng bộ
Theo ông Đông, trên thực tế triển khai đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc và cần có sự điều chỉnh quy định pháp lý. Thí dụ, Nghị quyết 42 có điều khoản khách hàng giao tài sản khi không trả được nợ nhưng không ghi đồng ý cho TCTD thu giữ, nên đã dẫn đến vướng trong triển khai.
Hay Điều 8 Nghị quyết 42 có quy định, về việc tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, tuy nhiên thực tế theo dõi triển khai 2.000 vụ việc, chưa có vụ việc nào được các cấp tòa án xử theo hình thức rút gọn. Điểm vướng nữa là các dự án bất động sản dở dang, khi VAMC thu giữ bán khoản nợ, chuyển thủ tục đầu tư mới cho chủ đầu tư có năng lực, nhưng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn nên các địa phương có cách hiểu, làm khác nhau. Có nơi chuyển giao được nhưng có nơi lại nói chưa có hướng dẫn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Thành kiến nghị các bộ, ngành có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42. Trong đó, Bộ Công an, UBND địa phương hướng dẫn việc gìn giữ trật tự an ninh khi TCTD thu giữ tài sản; Tổng cục Thuế hướng dẫn cục thuế thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB và nghĩa vụ nộp thuế; cơ quan thi hành án đẩy nhanh tiến độ thi hành án bản án có hiệu lực, bởi thời gian qua bản án có hiệu lực tồn đọng còn lớn… Ngoài ra, ông Thành kiến nghị Chính phủ gia tăng cơ chế đặc biệt khi xử lý tài sản thu giữ, được bán theo lô, có lãi, lỗ, bước đầu hình thành thị trường mua bán nợ.
Ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nhận xét, dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải có văn bản chỉ đạo, nhưng 54/63, 8/12 bộ, ngành chưa có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 42. Các địa phương sau khi quán triệt gần như giao phó cho Ngân hàng Nhà nước địa phương, việc đôn đốc còn hạn chế, phối hợp chưa đồng bộ.
Một số quy định áp dụng chưa nhất quán, thậm chí nhiều nơi viện dẫn là Nghị quyết 42 không quy định để không áp dụng, dù rằng có thể áp dụng quy định hiện hành khác. Điều đó cho thấy nhiều nơi chưa quyết tâm cao. Công tác xử lý nợ xấu dù có đạt một số kết quả nhưng hiệu quả chưa cao và khó khăn còn lớn. Mục tiêu đến năm 2020, nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC… xuống dưới 3% sẽ khó thực hiện nếu vẫn còn tình trạng này. 
 Kết quả xử lý nợ xấu đến 30-6: hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng 70.230 tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán 21.590 tỷ đồng (chiếm 15,61%), và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt 46.460 tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Các tin khác