Quý 1/2020, tại nhiều ngân hàng, nợ nhóm 3, 4, 5 tăng, đẩy tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với đầu năm. Kienlongbank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao “chóng mặt” khi giá trị tăng 5,7 lần lên 2.293 tỷ đồng, kéo theo tỷ trọng trong dư nợ từ 1% lên 6,62%.
TPBank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng 53% lên 1.884 tỷ đồng, thay đổi chủ yếu tại nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 61% lên 771 tỷ đồng.
Trong quý 1, nợ xấu nội bảng của Saigon bank đã tăng tới 95% lên 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh.
Với ngân hàng Vietcombank, nợ xấu cuối tháng 3 tăng tới 387 tỷ so với hồi đầu năm lên mức 5.191 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong quý 1 như: SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%; BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%...
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, 2 ngành có tổng dư nợ bị ảnh hưởng hơn 1 triệu tỷ đồng là công nghiệp chế biến, chế tạo (520.000 tỷ đồng), kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng (548.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số lĩnh vực khác có dư nợ lớn là nông, lâm nghiệp; chế biến thực phẩm, đồ uống; dệt may; xi măng; BOT, BT giao thông; vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; kinh doanh bất động sản…
Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý 2, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý 2, khoảng 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn nữa.
Ngay từ đầu năm, NHNN đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 3% với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, gia tăng sức chống chịu cho các tổ chức tín dụng trước “cú sốc” từ kinh tế bên ngoài. Tuy nhiên, trong suốt quý 1, dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế khiến các ngân hàng phải lên kịch bản đối phó với Covid-19, từ lạc quan đến tiêu cực. Những tác động mạnh này đã và đang khiến việc xử lý nợ xấu trở nên khó khăn, tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đang có chiều hướng tăng cao.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, khác với trước đây, nợ xấu năm nay phát sinh cả từ các khách hàng tốt. Rủi ro của dịch bệnh tác động rất lớn khiến cho cả khách hàng lẫn ngân hàng không thể “chống đỡ”, rất khó tính toán nên ngân hàng không tránh khỏi nợ xấu.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khủng hoảng của dịch bệnh đã tác động đến hoạt động kinh tế của đất nước, đặc biệt là doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp đi vay vốn từ ngân hàng, nhưng do khả năng trả nợ “yếu” đã khiến nợ xấu của ngân hàng đang tăng mạnh. Cùng với nợ xấu tồn đọng, nợ xấu mới, dự báo, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Ông Hiếu nhận định, vấn đề nợ xấu tác động đến ngành ngân hàng dưới nhiều khía cạnh. Thứ nhất là tác động đến lợi nhuận, gây ảnh hưởng đến sự an toàn vốn, từ đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ không thể phát triển và “bành trướng” được so với trường hợp, nếu lợi nhuận tốt thì vốn chủ sở hữu tăng lên và có khả năng phát triển mạnh được.
Vị chuyên gia này cũng cho hay, nợ xấu còn gây nguy hiểm cho cả hệ thống tài chính. Thực tế trong những năm qua, khi nợ xấu tăng lên đã dẫn đến tình trạng xói mòn vốn của các ngân hàng và đẩy nhiều ngân hàng vào tình trạng lao đao. Việc 3 ngân hàng được NHNN mua với giá 0 đồng cũng ở trong tình trạng nợ xấu tăng lên cao và đưa 3 ngân hàng đó vào tình trạng vỡ nợ, phá sản một cách kỹ thuật, từ đó, NHNN đã phải can thiệp vào để mua những ngân hàng đó với giá 0 đồng.
“Cái giá phải trả cho nợ xấu rất lớn nếu nợ xấu bùng nổ đến mức cao. Hiện tại, nợ xấu vẫn ở trong vùng kiểm soát, nếu để nợ xấu tăng cao nữa thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính của Việt Nam và cả nền kinh tế. Nếu giữ nợ xấu được ở mức 3% là tốt nhất. Nhưng với tình hình hiện tại việc giữ nợ xấu ở mức 3% là rất khó”, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.