Nợ xấu vướng Luật Đất đai

Khối lượng nợ xấu VAMC mua lại từ các NHTM đến nay đã đạt con số trên 50.000 tỷ đồng cùng với lượng trích lập dự phòng lớn từ các NH, song tình hình nợ xấu của nhà băng vẫn chuyển biến theo chiều hướng tăng nhẹ, gây áp lực lên tín dụng. Trong khi đó, việc hình thành thị trường mua - bán nợ vẫn còn mơ hồ, do đó việc kỳ vọng sớm bán nợ xấu cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mà VAMC công bố xem ra còn khó khăn.

Khối lượng nợ xấu VAMC mua lại từ các NHTM đến nay đã đạt con số trên 50.000 tỷ đồng cùng với lượng trích lập dự phòng lớn từ các NH, song tình hình nợ xấu của nhà băng vẫn chuyển biến theo chiều hướng tăng nhẹ, gây áp lực lên tín dụng. Trong khi đó, việc hình thành thị trường mua - bán nợ vẫn còn mơ hồ, do đó việc kỳ vọng sớm bán nợ xấu cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mà VAMC công bố xem ra còn khó khăn. 

Khó  bán nợ cho NĐT nước ngoài

Thực hiện chủ trương bán nợ xấu của NHNN, VAMC cho biết đang xem xét ký hợp đồng với một số NĐT nước ngoài, trong đó 2 công ty tư vấn nước ngoài đã khảo sát thực tế để tiến hành mua nợ. Dự kiến, trong quý III-2014, những khoản nợ đầu tiên sẽ được bán ra.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới, hiện VAMC đã làm việc với nhiều đơn vị mua nợ của nước ngoài, lên danh mục 10 tài sản bảo đảm với tổng giá trị 7.800 tỷ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương.

Song hiện nay, việc mua - bán nợ xấu chủ yếu là bất động sản. Trong khi đó, Luật Đất đai vẫn chưa cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản nên không dễ kỳ vọng bán nợ xấu cho NĐT nước ngoài. Mặt khác, VAMC cũng khó có thể bán nợ xấu dưới giá thành đã mua, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến tài sản nhà nước. Yếu tố then chốt vẫn là về giá. Thực tế thời gian qua, VAMC đã mua nợ xấu của các NHTM với giá khá cao, giá trị khoảng 80-90%. Như thế, nếu thị trường mua - bán nợ được hình thành chưa hẳn đã hấp dẫn được các NĐT nước ngoài.

Theo quy trình, nếu sau 5 năm, cho dù VAMC không xử lý được triệt để nợ xấu vẫn có thể trả lại cho NHTM để thu về trái phiếu. Qua đó, có thể thấy quá trình xử lý nợ xấu của các NHTM hiện nay mới chỉ là mua thời gian, tức giãn thời gian nắm giữ nợ của các NH chứ chưa hẳn đã xử lý triệt để. Do đó, để đánh giá được nhu cầu nợ xấu của NĐT nước ngoài, phải xét đến yếu tố có hình thành được thị trường mua-bán nợ và VAMC bán nợ xấu với giá nào.

NH tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC

Nợ xấu vướng Luật Đất đai ảnh 2Việc tái cấu trúc ngành NH đang đem lại nhiều cơ hội cho NĐT nước ngoài. Qua quá trình trao đổi với các NĐT nước ngoài, VinaCapital nhận thấy nhu cầu mua - bán nợ xấu của các NĐT là rất lớn. Vì thế, cần có cơ chế, tạo điều kiện để các NĐT mua nợ. Nợ xấu vướng Luật Đất đai ảnh 3

Ông Don Lam,
Tổng giám đốc VinaCapital

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC, 6 tháng đầu năm 2014 VAMC đã mua được 11.414 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD, còn nếu tính từ khi mua nợ ngày 11-10-2013 đến ngày 1-7-2014, tổng nợ xấu đã mua của các TCTD là 50.721 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, VAMC đã bán và thu hồi được nợ 996 tỷ đồng, tổ chức cơ cấu lại các khoản nợ của các TCTD gồm 112 khách hàng với số tiền 9.071 tỷ đồng.

Ngoài khối lượng nợ xấu khá lớn đã được đẩy sang cho VAMC, các NHTM còn tiếp tục rà soát các khoản nợ xấu để bán tiếp cho VAMC trong nửa cuối năm nay, nhằm làm sạch bản cân đối kế toán, cho dù vẫn phải trích lập 20% dự phòng hàng năm. Tuy nhiên, các khoản nợ xấu NH bán cho VAMC đã được xử lý ra sao vẫn là bài toán đau đầu với lãnh đạo nhà băng hiện nay. Bởi thực tế cho thấy, việc xử lý nợ xấu sau khi bán cho VAMC vẫn thuộc về NH dưới sự giám sát và chỉ đạo của VAMC và NHNN.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết việc xử lý nợ xấu của các NHTM trên địa bàn đang rất tích cực. Dự kiến năm nay VAMC sẽ có kế hoạch mua từ 70.000-100.000 tỷ đồng từ các NHTM. Do đó, NHNN chi nhánh TPHCM yêu cầu các NHTM trên địa bàn tổng hợp các hồ sơ đầy đủ điều kiện để có thể bán nợ xấu cho VAMC một cách thuận lợi và nhanh nhất nhằm tháo gỡ khó khăn.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, vai trò của NĐT nước ngoài trong mua nợ rất quan trọng. Đối với Việt Nam, hiện nay nguồn lực để xử lý nợ rất hạn chế. Do đó, việc cho phép các NĐT nước ngoài tham gia mua - bán nợ nhằm tạo nguồn lực tốt hơn và giúp một phần đẩy nhanh tiến độ mua - bán nợ.

Mặt khác, việc tham gia của NĐT nước ngoài mang tính chuyên nghiệp cao sẽ góp phần tạo dựng, phát triển thị trường mua - bán nợ. Do vậy, Luật Đất đai phải xem xét đến yếu tố cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà, đất. 

Các tin khác