Nhiều người tin rằng một khi di sản được công nhận di sản thế giới, nó sẽ trở thành một nhân tố thúc đẩy du lịch, từ đó đem đến những lợi ích kinh tế lớn lao cho địa phương và đất nước.
> Nỗi lo di sản thế giới (K1): Bảo vệ hay phá hoại?
Câu chuyện của Trung Quốc
Tháng 7-2006, thành phố An Dương ở Hà Nam, Trung Quốc ăn mừng việc di tích Ân Khư được đưa vào danh sách các di sản thế giới của UNESCO.
Cùng lúc, người ta biết đến câu chuyện của những người dân ở làng Xiaotun, nơi có di tích. He Yongxian, một giới chức của làng, cho biết: “Trong những năm cuối thập niên 90, làng Xiaotun có đời sống kinh tế khá giả hơn bây giờ. Lúc đó ở rìa phía Tây làng có 6 nhà máy. Ngành công nghiệp chủ chốt của làng là chăn nuôi và khai thác gỗ. Thu nhập bình quân của làng lúc đó vào khoảng 400.000NDT/năm (50.161USD), nhưng nay chỉ còn 100.000NDT/năm”.
Ông He kể, từ tháng 4-2001, cuộc sống của dân làng Xiaotun bắt đầu bị thay đổi, khi chính quyền An Dương bắt đầu các nỗ lực để di tích Ân Khư được công nhận. Vì nằm ở giữa khu vực di tích, làng Xiaotun và các nhà máy đều buộc phải di dời.
Các nhà máy phải chuyển ra khỏi làng và việc chăn nuôi phải chấm dứt. 2/3 đất nông nghiệp của làng bị chuyển đổi mục đích và 76 hộ gia đình phải di dời đến khu tái định cư cách làng 1km.
Để đáp ứng mục tiêu hình thành 200.000km2 khu vực xanh xung quanh khu di tích, chính quyền thành phố An Dương đã phá hủy 220.000m2 nhà ở và các công trình xây dựng khác trong 5 ngôi làng, 692 ngôi nhà và nhiều nhà máy, công ty bị phá hủy và di dời.
Trong khi đó, những công trình mới mọc lên đã thay đổi hoàn toàn cảnh quan của khu vực. Nơi từng là cánh đồng rộng lớn nay được gọi là Khu Đông, tập trung nhiều văn phòng và công sở. Từ năm 2001-2006, ước tính An Dương đã chi 230 triệu NDT (29 triệu USD) để giúp Ân Khư được công nhận di sản thế giới. Trong đó, phần lớn được chi cho việc phá dỡ và di dời nhà cửa, cũng như các nỗ lực bảo tồn khác. Khoảng 70% ngân sách được chính quyền thành phố cung cấp, 10% từ quyên góp và 20% là các khoản vay.
Trong khi nhiều người tin việc Ân Khư trở thành di sản thế giới sẽ thu hút khách du lịch và mang lại nhiều cơ hội cho địa phương, một số người lại tỏ ra hoài nghi. Một quan chức giấu tên cho rằng An Dương không phải là một trung tâm tài chính, và việc trở thành di sản thế giới sẽ khiến công tác bảo tồn di tích Ân Khư khó khăn hơn.
Chẳng hạn, có ngày khu di tích phải đón nhận tới 90.000 khách tham qua, trong khi giới chuyên gia cảnh báo nó chỉ có thể đón tối đa 500 người/ngày. Người ta cũng lo ngại làn sóng du khách đổ xô đến sẽ dẫn tới việc xuất hiện các công trình phục vụ du khách, như khách sạn, nhà hàng...
Việc xây dựng quá nhiều sẽ hủy hoại vẻ đẹp vốn có của khu di tích. Một số chuyên gia cảnh báo việc được công nhận di sản thế giới có thể giúp Ân Khư thu hút du khách hơn, nhưng đó chỉ là hiệu ứng ngắn hạn, về sau du khách sẽ ít dần, như trường hợp của thị trấn cổ Pingyao ở Sơn Tây, hay Lijiang ở Vân Nam.
Giới chuyên môn nói gì?
Các nghiên cứu của Galvin (năm 1997) cho biết trong giai đoạn 1990-1995, khách tham quan đến các công viên được công nhận di sản thế giới tại Hoa Kỳ nhiều hơn 5,2% so với những công viên quốc gia không phải là di sản thế giới. Nghiên cứu tại các khu di sản thế giới cho thấy ít nhất 40% khu di sản chứng kiến lượng khách tham quan tăng kể từ khi được công nhận di sản thế giới, trong đó hầu hết tăng 1-5%/năm.
Tuy nhiên, mối liên hệ nhân quả giữa việc được công nhận di sản thế giới với việc khách tham quan tăng không được rõ ràng lắm, đặc biết đối với những nơi vốn đã nổi tiếng trước đó. Những di tích như Kim tự tháp Ai Cập, Đền Taj Mahal... hầu như ít được lợi lộc từ tư cách di sản thế giới vì chúng vốn đã nổi tiếng toàn cầu dù có được UNESCO công nhận hay không. Nghiên cứu cũng cho rằng việc được công nhận di sản thế giới giúp gia tăng lượng khách quốc tế, những người có khuynh hướng ở lâu hơn và tiêu xài nhiều hơn so với khách nội địa.
![]() |
Thu nhập bình quân của dân làng Xiaotun giảm đáng kể từ |
Trong khi đó, nghiên cứu năm 2008 của Prud’homme cho rằng tác động kinh tế của tư cách di sản thế giới đối với phát triển kinh tế địa phương đã được thổi phồng quá mức. Nghiên cứu của Công ty Research Consulting Ltd. & Trends Business Research Ltd. (năm 2009) cũng ủng hộ quan điểm của Prud’home.
Theo đó, có 70-80% các khu di sản thế giới hầu như không được thiết kế để trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế-xã hội. Nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina (Hoa Kỳ) trên 189 di sản thế giới cho biết “du lịch có thể đe dọa công tác bảo tồn di sản mà ít mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương”. Đặc biệt, lợi ích kinh tế mang lại từ di sản ở các vùng nông thôn và các nước đang phát triển rất thất thường.
Trong khi đó, chi phí để một khu di sản được công nhận di sản thế giới rất lớn. Chẳng hạn, bình quân mỗi di sản ở Anh mất 5 năm từ khi được đưa vào danh sách đề cử đến lúc được công nhận di sản thế giới. Ước tính năm 2007 của PricewaterhouseCoopers Ltd. cho biết người Anh mất từ 420.000-570.000 bảng (637.724-865.472USD) để “chạy” 1 di sản thế giới.
Tại Trung Quốc, chính quyền huyện Xinning, tỉnh Hồ Nam đã mất 400 triệu NDT (63,8 triệu USD) cho việc công nhận khu Danxia. Sau khi di sản được công nhận, người Anh mất từ 190.000-615.000 bảng (288.494-933.810USD) để bảo tồn và quản lý.
Một khảo sát của Trung tâm Khảo sát Xã hội Trung Quốc cho biết 53,5% người tham gia nói họ không đến một nơi nào đó chỉ vì nó có trong danh sách di sản thế giới, chỉ 24,6% nói họ sẽ đi. Quan trọng hơn, có 74% người tin rằng thay vì đổ tiền để “chạy” di sản, các nhà chức trách nên chi cho các hành động thiết thực để bảo vệ di sản đó. 68,2% cho rằng nỗ lực để di sản được UNESCO công nhận là “vô bổ” trong việc bảo vệ di sản.