Phiến quân Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), nhánh hoạt động tại Afghanistan của tổ chức IS, thừa nhận đã tiến hành vụ đánh bom tự sát ở sân bay Kabul vào ngày 26/8, khiến khoảng 170 người thiệt mạng. Cuộc tấn công diễn ra sau cảnh báo của nhiều bên về nguy cơ IS tấn công sân bay quốc tế Hamid Karzai, nơi Mỹ đang sơ tán hàng nghìn công dân, người dân các nước đồng minh và người Afghanistan có thị thực đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ sắp rút toàn bộ quân khỏi nước này theo đúng hạn 31/8.
“Chúng tôi đánh giá các phần tử cực đoan bạo lực trong và ngoài nước có thể đang cố gắng lợi dụng việc Mỹ rút quân và tình hình an ninh đang xấu đi ở Afghanistan để truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công và chiêu mộ những phần tử cực đoan có cùng chí hướng trên mạng”, báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngày 27/8 viết. Liên Hợp quốc cũng từng cảnh báo, với khoảng 10.000 chiến binh Hồi giáo nước ngoài ở Afghanistan hiện nay, có cơ sở để lo ngại rằng nó sẽ một lần nữa trở thành bệ phóng cho một phong trào “thánh chiến” toàn cầu.
Phát biểu ngày 28/8 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng các chỉ huy quân sự nước này dự đoán một cuộc tấn công mới có thể xảy ra “trong 24 - 36 giờ tới”, đồng thời miêu tả tình hình Kabul hiện giờ “cực kỳ nguy hiểm”. Tuy nhiên, ông Biden vẫn bảo vệ quyết định rút quân đúng hạn và thề sẽ truy quét bằng vũ lực đối với những kẻ đã thực hiện vụ tấn công hôm 26/8 - khiến 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, trở thành ngày chết chóc nhất với quân đội Mỹ kể từ năm 2011.
Tuy nhiên, lời thề tiêu diệt IS-K của ông Biden được cho sẽ dẫn đến việc lực lượng chiến đấu của Mỹ phải trở lại hoạt động ở Afghanistan, đồng nghĩa với cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan chưa thể kết thúc - mâu thuẫn với chính những tuyên bố rút quân của ông chủ Nhà Trắng. Trớ trêu hơn, các chỉ huy quân sự Mỹ ở Kabul lúc này buộc phải hợp tác với Taliban - đối thủ “không đội trời chung” mà Washington đã chỉ định là một lực lượng khủng bố - để chống lại kẻ thù chung là IS khi cuộc di tản kết thúc.
Các chiến binh tuyên bố trung thành với IS-K đã bắt đầu xuất hiện ở miền Đông Afghanistan, gần biên giới với Pakistan, vào cuối năm 2014. Từ đó, phong trào Hồi giáo dòng Sunni cực đoan này nhanh chóng mở rộng. Theo các cơ quan tình báo phương Tây, IS khét tiếng là rất tàn bạo khi chiến đấu với Taliban, vì sự trái ngược trong ý thức hệ cũng như nhằm cạnh tranh để kiểm soát các tuyến đường buôn lậu và buôn ma túy tại địa phương.
Richard Barrons, tướng đã về hưu của quân đội Anh cho rằng, cách duy nhất để đối phó với IS-K là bắt tay với Taliban để chặn đứng nhóm khủng bố này, bởi Mỹ và các đồng minh không còn đại sứ quán, binh sĩ hay lực lượng an ninh hỗ trợ trên mặt đất tại Afghanistan. Trong khi chuyên gia nghiên cứu về Trung Á tại Đại học Lan Châu Yang Shu nhận định, thông qua các cuộc tấn công, IS-K dường như đang cố gắng chứng tỏ nhóm này vẫn có ảnh hưởng ở Afghanistan, khi Taliban đang xích lại gần các chính phủ nước ngoài. Trước thềm tiếp quản hoàn toàn Kabul, Taliban cũng đang đối mặt với lời thúc giục phải cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố từ loạt cường quốc, bao gồm Nga và Trung Quốc.