“Nội luật hóa” thuế tối thiểu toàn cầu: Không thể chậm chân

(ĐTTCO) - Tháng 10-2021, Việt Nam cùng với hơn 135 quốc gia khác tham gia Công ước đa phương, về thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI). Khởi xướng bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quy tắc thuế mới này là cột mốc quan trọng cho sự phối hợp thực thi thuế giữa các quốc gia.
“Nội luật hóa” thuế tối thiểu toàn cầu: Không thể chậm chân

Gấp rút cải cách thuế

Tại Diễn đàn hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của OECD (Diễn đàn IF), đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về giải pháp, gồm 2 trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế liên quan tới quá trình số hóa nền kinh tế, và đề ra kế hoạch thực hiện chi tiết.

Chính phủ các nước đầu tư và nhận đầu tư đều có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, riêng trụ cột 2 (áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR), sau khi được OECD công bố quy tắc lập pháp và hướng dẫn chi tiết (lần lượt vào tháng 12-2021 và 3-2022), từng quốc gia trên thế giới đang chuẩn bị hoặc đang tiến hành luật hóa cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Dự kiến thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng trên phạm vi toàn cầu vào năm nay, để phù hợp với lộ trình mục tiêu áp dụng của IF vào năm 2024. Do đó, các quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu bền vững có thể hài hòa với môi trường đầu tư và hệ thống thuế/pháp lý hiện tại, vừa không ảnh hưởng tiêu cực làm giảm tăng trưởng phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Một số đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam cũng sẽ áp dụng thuế này. Do đó Việt Nam cần gấp rút chuẩn bị cho cuộc cải cách thuế này.

Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, Việt Nam cần sớm nội luật hóa thuế này để giảm ảnh hưởng đến các công ty đã đầu tư vào Việt Nam, cũng như tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư lớn đang có ý định đầu tư vào thị trường tiềm năng này. Một dẫn chứng dễ hiểu, nếu một tập đoàn của Hàn Quốc đang nộp thuế thu nhập DN 7% tại Việt Nam, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng ở Hàn Quốc vào năm 2024 mà chưa áp dụng ở Việt Nam, tập đoàn này sẽ phải nộp ít nhất 8% thuế chênh lệch cho Hàn Quốc (quốc gia đặt trụ sở chính). Vì vậy, tập đoàn này muốn 2 nước thực hiện cùng lúc để Việt Nam sớm có các ưu đãi khác bù đắp cho họ.

Sớm “nội luật hóa” để tăng thu, giữ chân FDI

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Hiệp hội DN FDI (VAFIE), không chỉ DN nước ngoài mà Việt Nam hiện đang lo lắng về việc này. Bởi ngoài chuyện thu ngân sách nếu Việt Nam thực hiện chậm, môi trường đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu đầu tư vào Việt Nam bất lợi vì chưa có thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang Indonesia hay Ấn Độ, nơi đã có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy tắc thuế mới này.

“Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước. Trong môi trường toàn cầu hiện nay có rất nhiều sáng kiến có thể áp dụng. Nếu các bên cùng tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ các nước châu Âu và trong khu vực, chắc chắn cơ chế của chúng ta sẽ được nhiều nhà đầu tư hưởng ứng” - GS. Nguyễn Mại nhận xét.

Ông Thomas McClelland, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, cho rằng thuế tối thiểu toàn cầu đã đến rất gần, và Việt Nam cần sớm thực hiện để không bị bỏ lại phía sau. Thứ nhất, chuẩn bị về mọi mặt ngay từ bây giờ cho sự hiện diện thực tế của Trụ cột 2. Các chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột 2 nên được xây dựng trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Trong ngắn hạn, việc có áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu thuế nên được cân nhắc sớm. Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột 2...

Thứ hai, đối với việc hỗ trợ các DN đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi Trụ cột 2, các hình thức ưu đãi đầu tư mới dựa trên chi phí, đặc biệt ưu đãi bằng tiền, nên được cân nhắc với những ưu điểm nhất định so với hình thức đầu tư dựa trên thu nhập. Việt Nam nên cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong tình hình mới, song song với việc tham khảo, lấy ý kiến tư vấn OECD, cũng như các chính sách đang được thực hiện bởi các quốc gia khác.

Thứ ba, Chính phủ nên thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD, sớm triển khai đánh giá tác động và nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, cơ chế cũng như khung pháp lý đối với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam để đảm bảo sự ổn định và duy trì tính cạnh tranh, hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Nếu áp dụng QDMTT, Việt Nam sẽ giữ được quyền đánh thuế và các nhà đầu tư cũng xác định được nghĩa vụ phải đóng thuế bổ sung tại Việt Nam, thay vì chuyển đến quốc gia khác để nộp khoản thuế bổ sung này.

Các tin khác