9 tháng qua, toàn ngành nông nghiệp đã mang về hơn 38 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với giá trị xuất siêu đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với giá trị kim ngạch đạt hơn 3,6 tỷ USD, gạo là mặt hàng đã có mức tăng kỷ lục về giá. Giá gạo có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn.
Ở phân khúc cao cấp, một số doanh nghiệp đã bán gạo thơm với giá 1.000 - 1.500 USD/tấn. Nhiều doanh nghiệp đánh giá kim ngạch xuất khẩu lúa gạo năm nay sẽ vượt mức 4 tỷ USD, với sản lượng 7,8 triệu tấn.
"Hiện nay một số quốc gia truyền thống như Philippines, Indonesia và Trung Quốc, hầu hết vẫn chọn gạo Việt Nam, vì gạo Việt Nam có chất lượng đặc biệt tốt", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết.
Cùng với gạo, trái cây, cà phê là những mặt hàng có nhiều lợi thế để tăng tốc trong quý IV. 9 tháng qua, riêng mặt hàng rau quả đã đạt gần 4,2 tỷ USD, tăng gần 72% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hai ngành thủy sản và lâm sản tuy giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng ngay quý III và IV đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc.
"Chúng ta tập trung vào lợi thế của thị trường và ngành hàng. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn mục tiêu 54 - 55 tỷ USD năm 2023 mà Chính phủ giao, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành và về đích", ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Tuy nhiên, thách thức thời gian tới cũng không nhỏ. Nông sản Việt có nguy cơ chịu thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Trong khi sức ép cạnh tranh sản phẩm cùng loại ngày càng tăng, như gạo có Campuchia, Myanmar; thủy sản có Ấn Độ, Mexico, Indonesia.
"Nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay khả năng sẽ về thấp và không đáng kể, El Nino sẽ rất ảnh hưởng, như vậy nó sẽ còn tiêu cực cho hàng hóa của vụ Thu Đông và Đông Xuân tới", ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho hay.
Vấn đề đặt ra cho cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu trong quý IV này là phải tiếp tục duy trì kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định của nước nhập khẩu lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đó cũng là giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hướng đến phát triển quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả.