Thông báo dừng 7 ngày, thực tế có thể hơn
Các cửa khẩu phía Trung Quốc thông báo sẽ dừng thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu 7 ngày từ 31.1 - 6.2 để nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Hiện tại mỗi ngày lượng xe thông quan qua các cửa khẩu chỉ vài chục chiếc, rất ít so với những năm trước.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã thông báo từ ngày 17.1, tạm dừng tiếp nhận xe hoa quả tươi đến cửa khẩu của tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tình thế này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của VN đang rất đau đầu khi đối diện với khả năng mất trắng vụ tết.
Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), cho biết: “Mọi năm thị trường Trung Quốc vẫn giao thương bình thường, ngày tết ngày lễ cũng không nghỉ. Năm nay họ ngưng thông quan kéo dài, còn nghỉ hẳn luôn việc thông quan dịp Tết Nguyên đán. Công ty tôi vừa phải cho quay đầu nhiều container ở cửa khẩu Lạng Sơn”.
Còn bà Ngô Tường Vy, Phó tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu ở Bến Tre, thừa nhận: Năm nay khó khăn hết biết, doanh nghiệp nào trong ngành cũng bị giảm doanh số rất nhiều. Các chuỗi cung ứng, liên kết với nông dân cũng bị ảnh hưởng. Vụ nông sản chính trong năm nay cả doanh nghiệp và nông dân đều thiệt hại nặng.
Bên cạnh đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây VN, nhận định: Thời điểm cận Tết Nguyên đán các năm trước việc xuất khẩu nông sản, trái cây từ VN sang Trung Quốc diễn ra bình thường, ngay cả tết năm vừa rồi dù có dịch Covid-19, nhưng Trung Quốc chỉ hạn chế lưu thông, thay phiên nhân viên hải quan chứ không đóng cửa.
Năm nay, chính sách chống dịch của Trung Quốc được nâng cao hơn, mặt khác họ cũng đã cân đối cung cầu nông sản trong nước nên áp dụng việc nghỉ tết, ngưng thông quan cửa khẩu đường bộ. Đáng nói nhất, tháng 1 hằng năm chính là thời điểm hàng hóa nông sản VN xuất khẩu nhiều nhất, cao nhất sang Trung Quốc.
Chính vì vậy việc ngừng thông quan ngay giai đoạn này gây thiệt hại rất lớn cho nông sản, nông dân và doanh nghiệp VN.
Cũng theo ông Nguyên, phía Trung Quốc thông báo chính thức nghỉ tết 7 ngày, nhưng một điểm quan trọng cần lưu ý là chính sách zero-Covid (quét F0 ra khỏi cộng đồng). Khi hàng hóa từ VN vào Trung Quốc phải đổi tài xế, nhân viên hải quan, nhân viên bốc xếp của họ phải tuân thủ nghiêm các quy định của chính sách này.
Những nhân viên này xin nghỉ tết sớm để về quê ăn tết rồi sau tết họ quay trở lại, mỗi lần như vậy phải cách ly y tế 2 - 3 tuần theo chính sách zero-Covid. Điều này sẽ làm cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp VN gặp rất nhiều khó khăn và thời gian có thể kéo dài hơn 7 ngày khá nhiều.
“Với chính sách zero-Covid, chúng ta không biết lúc nào họ sẽ đóng, lúc nào sẽ mở cửa biên giới để đưa hàng đi. Giống như thanh long vừa rồi, khi phát hiện bao bì sản phẩm có vấn đề họ lập tức đóng cửa chúng ta trở tay không kịp”, ông Nguyên nói.
Khó khăn ít nhất hết quý 1
Chúng ta chỉ có thể tạm yên tâm mang hàng hóa lên biên giới với Trung Quốc khi nào họ không còn theo đuổi chính sách zero-Covid. Lúc đó hoạt động xuất khẩu mới phục hồi như trước. Khả năng là không chỉ sau tết mà tình hình xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu với Trung Quốc có thể kéo dài đến hết quý 1 Ông Đặng Hoàng Giang, |
Xuất khẩu điều sang Trung Quốc cũng là một trong những thế mạnh của nông sản VN, nhưng các doanh nghiệp trong ngành này cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Theo Hiệp hội Điều VN (Vinacas), số lượng doanh nghiệp ngành điều xuất khẩu bằng đường bộ các năm trước chiếm từ 80 - 90%, tuy nhiên năm 2021 thì tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu đường biển đã tăng lên đến 60%. Thống kê của Vinacas cho thấy kết quả xuất khẩu điều năm 2021 đạt 577.400 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,63 tỉ USD thì thị trường Trung Quốc chiếm hơn 14%.
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinacas, cho biết: Thời điểm trước Tết Nguyên đán năm trước cửa khẩu Trung Quốc vẫn hoạt động, không nghỉ tết, mặc dù lưu lượng có chậm hơn bình thường nhưng vẫn được thông quan. Tết năm nay họ đóng cửa hoàn toàn.
Nhiều xe container chở mặt hàng điều đã phải quay đầu về từ cửa khẩu để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch đường biển. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại chưa kịp đăng ký mã số doanh nghiệp xuất khẩu, vì vậy nếu muốn xuất chính ngạch thì cũng phải chờ đợi vài tháng sau.
“Chúng ta chỉ có thể tạm yên tâm mang hàng hóa lên biên giới với Trung Quốc khi nào họ không còn theo đuổi chính sách zero-Covid. Lúc đó hoạt động xuất khẩu mới phục hồi như trước. Khả năng là không chỉ sau tết mà tình hình xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu với Trung Quốc có thể kéo dài đến hết quý 1”, ông Nguyên nhận định và khuyến cáo các doanh nghiệp và cả bà con nông dân nên chủ động nắm bắt và đánh giá tình hình để điều tiết sản xuất cho phù hợp.
Cụ thể với những nhà vườn sản xuất vụ nghịch sau tết để xuất đi Trung Quốc thì nên thận trọng. Nếu nhà vườn, trang trại hoặc hợp tác xã nào xuất đi các thị trường khác mà có bao tiêu của doanh nghiệp hãy tiếp tục đầu tư vì rủi ro thấp hơn.
Phần lớn nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc là rau quả tươi khó bảo quản để chờ đến sau tết hoạt động xuất khẩu được nối lại, ngoại trừ một số ít loại như bưởi. Thực tế doanh nghiệp hiện cũng không đủ kho lạnh để bảo quản.
Giả sử có bảo quản được thì chi phí bảo quản cũng sẽ đẩy giá thành lên rất cao trong khi không biết khi nào hoạt động xuất khẩu trở lại bình thường. Do đó, về lâu dài bà Vy cho rằng để hoạt động xuất khẩu ổn định và mang tính bền vững phải đẩy mạnh chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm và xuất khẩu chính ngạch.
“Tôi vẫn hy vọng, sau tết tình hình sẽ khả quan hơn với nông sản VN đặc biệt là sầu riêng đã được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch. Đây là mặt hàng mà thị trường Trung Quốc rất thích và sản phẩm có giá trị kinh tế cao”, bà Vy nói.
Thủy sản tháng tết năm trước tăng mạnh
Trung Quốc cũng nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động xuất nhập khẩu của họ giảm so với bình thường. Nhưng dịp tết năm ngoái rơi vào tháng 2.2021 lại là tháng có sự tăng trưởng mạnh đến 63% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch xuất khẩu đến 33,3 triệu USD.
Trong 2 năm qua Trung Quốc thường chiếm khoảng 17% thị phần xuất khẩu thủy sản VN. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách siết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến kim ngạch thủy sản xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm liên tục.
Kết quả cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỉ USD, giảm 26%. Việc ách tắc thị trường Trung Quốc đã kéo theo hàng loạt nông sản VN rớt giá mạnh: Giá dưa hấu tại vườn chỉ còn 3.000 đồng/kg, thanh long: 1.000 đồng/kg, mít: 2.000 đồng/kg, ớt: 8.000 - 10.000 đồng/kg, ổi: 8.000 đồng/kg, xoài Đài Loan: 5.000 đồng/kg, bưởi da xanh: 20.000 đồng/kg, bưởi Diễn: 4.000 - 7.000 đồng/kg… Ông Trương Đình Hòe (Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN)