Nữ phi hành gia Ả Rập đầu tiên vào vũ trụ là ai?

(ĐTTCO) - Trong xã hội Hồi giáo, phụ nữ Ả Rập thường phải sống khép kín, thậm chí không được để lộ gương mặt của mình nơi công cộng. Thế nhưng, vẫn có những người phụ nữ vượt qua những kiềm chế ấy và trở thành gương mặt truyền cảm hứng cho cả thế giới.
Nữ phi hành gia Ả Rập đầu tiên vào vũ trụ là ai?

Rayyanah Barnawi chính là phụ nữ như thế, khi trở thành nữ phi hành gia Ả Rập đầu tiên bay vào vũ trụ ngày 21-5 vừa qua.

Idol của các cô gái Ả Rập

Trước khi tham gia sứ mệnh này, nữ phi hành gia đã là người được nhiều cô gái trẻ ở Ả Rập Xê Út ngưỡng mộ. Sinh tháng 9-1988 tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, Barnawi là nghiên cứu y sinh với gần 10 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu tế bào gốc ung thư. Cô có nhiều bằng cấp về khoa học y sinh, như Thạc sĩ Khoa học Y sinh của Đại học Alfaisal ở Ả Rập Xê Út, Cử nhân Khoa học Y sinh của Đại học Otago ở New Zealand.

Thông tin từ trang web Axiom Space cho biết: “Barnawi đã có hơn 9 năm làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm nghiên cứu cho Chương trình tái tạo mô và tế bào gốc tại Trung tâm Nghiên cứu và bệnh viện chuyên khoa King Faisal ở Riyadh, Ả Rập Xê Út. Ngoài công việc chuyên môn, cô ấy rất thích các môn thể thao mạo hiểm, như lặn biển, dù lượn, đu dây, đi bộ đường dài và đi bè”.

Phát biểu trước khi bay vào vũ trụ, Barnawi nói: “Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi được đại diện cho ước mơ và hy vọng của mọi người ở Ả Rập Xê Út, cũng như tất cả phụ nữ ở quê nhà và khu vực. Chúng tôi sẽ tận hưởng sứ mệnh này. Tôi thực sự mong chờ các thí nghiệmsẽ tiến hành trên ISS, cũng như các sự kiện tiếp cận cộng đồng”.

"Bernawi là nhà khoa học rất giỏi nên cô ấy được chọn là phi hành gia thực hiện các dự án khoa học trên ISS".

HAITHEM AL-TUWAIJRI,

Cố vấn Ủy ban Vũ trụ Ả Rập Xê Út

Được gọi là Axiom Mission 2 (Ax-2), đây là sứ mệnh thứ hai của Axiom Space, một công ty sản xuất cơ sở hạ tầng không gian do tư nhân tài trợ của Mỹ, được đồng sáng lập bởi Michael Suffredini, người từng là Giám đốc Chương trình Trạm Vũ trụ quốc tế của NASA từ năm 2005-2015.

Trong thời gian 8 ngày ở trên trạm Vũ trụ quốc tế ISS, Barnawi và các thành viên phi hành đoàn sẽ thực hiện khoảng 20 thí nghiệm khoa học và công nghệ, bao gồm nhiều lĩnh vực như sinh lý con người, sinh học tế bào và phát triển công nghệ. “Dữ liệu được thu thập trong chuyến bay sẽ tác động đến sự hiểu biết về sinh lý con người trên Trái đất và trên quỹ đạo, cũng như thiết lập tiện ích của các công nghệ mới có thể được sử dụng cho các hoạt động du hành vũ trụ của con người trong tương lai” - Axiom Space cho biết trên trang web của mình.

Những thí nghiệm từ vũ trụ

Barnawi sẽ nghiên cứu tế bào gốc và ung thư vú. Ngoài ra, cô và phi hành gia Ả Rập Xê Út đi cùng là Ali Al-Qarni sẽ tiến hành 11 thí nghiệm khoa học tiên phong trong lĩnh vực "vi trọng lực", 3 thí nghiệm "nhận thức giáo dục", trong đó 12.000 học sinh sẽ tham gia tại 42 địa điểm của Ả Rập Xê Út thông qua vệ tinh.

Thí nghiệm quan trọng nhất là đo các dấu hiệu sinh tồn qua máu. Thí nghiệm này sẽ cho thấy những thay đổi về chỉ dấu sinh học máu trong mô não chức năng, để xác định xem những chuyến đi vào không gian có an toàn cho não hay không.

Barnawi và Al-Qarni cũng tiếp hành thí nghiệm đồng tử đo áp lực nội sọ. Thí nghiệm này được thực hiện bằng cách sử dụng một thiết bị tự động đo đồng tử trong thời gian ngắn để đo sự thay đổi áp suất nội sọ trong các sứ mệnh không gian thời gian dài và để nâng cao kiến thức về hội chứng thần kinh mắt liên quan đến chuyến bay vũ trụ SNS.

Hai người cũng sẽ tiến hành thí nghiệm sử dụng điện não đồ để đo hoạt động điện của não, với mục đích nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường vi trọng lực đối với hoạt động điện của não. Thử nghiệm này sẽ được thực hiện bằng thiết bị điện não đồ di động, trong đó đường kính của lớp bao phủ dây thần kinh thị giác của các phi hành gia cũng sẽ được đo trong sứ mệnh không gian ngắn hạn.

Hai phi hành gia Ả Rập Xê Út cũng sẽ tiến hành các thí nghiệm trong lĩnh vực khoa học tế bào. Mục đích của thí nghiệm này là để hiểu phản ứng viêm thay đổi như thế nào trong không gian, đặc biệt là trong thời gian tồn tại của chuỗi "RNA", tạo thành phần thiết yếu của quá trình sản xuất protein dẫn đến viêm.

Mô hình tế bào miễn dịch cũng sẽ được sử dụng để mô phỏng phản ứng viêm để điều trị bằng thuốc trong môi trường vi trọng lực ngoài không gian. Họ cũng sẽ tiến hành 3 thí nghiệm giáo dục về nhận thức vi trọng lực trong chương trình phát sóng trực tiếp cho học sinh Ả Rập Xê Út, giúp nhận thức về tác động của vi trọng lực đối với hành vi và kết quả thí nghiệm của họ. Ngoài ra, các thử nghiệm về các kiểu truyền nhiệt trên mặt đất so với không gian cũng được thực hiện…

Tiến tới bình đẳng giới

Mặc dù Barnawi là người phụ nữ Ả Rập Xê Út đầu tiên lên vũ trụ, nhưng cô không phải là người Ả Rập Xê Út đầu tiên bay vào vũ trụ, mà đó là Hoàng tử Sultan ibn Salman Abd al-Aziz Al Saud, người đã tham gia chuyến du hành vũ trụ do Mỹ tổ chức vào năm 1985. Trong nỗ lực tạo dựng tên tuổi trong lĩnh vực vũ trụ thăm dò, vào năm 2018 nước này đã thành lập cơ quan vũ trụ đầu tiên của mình, Ủy ban Vũ trụ Xê Út.

Tuy nhiên, hành trình đến trạm vũ trụ của Barnawi không chỉ là một phần trong nỗ lực của Ả Rập Xê Út nhằm trở thành người chơi thống trị trong lĩnh vực thiên văn học và vũ trụ học. Vương quốc cũng muốn rũ bỏ hình ảnh là quốc gia cực kỳ bảo thủ, không coi phụ nữ bình đẳng với nam giới.

Bernawi hy vọng sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho phụ nữ thuộc mọi thành phần ở Trung Đông và cả thế giới: "Gửi mọi người trên khắp thế giới: tương lai rất tươi sáng. Tôi muốn các bạn hãy mơ ước thật nhiều, tin vào bản thân và tin vào nhân loại".

Nữ phi hành gia Ả Rập 34 tuổi cũng cho biết, cô đã bay vào không gian vũ trụ cùng với đôi bông tai của bà mình. Đây là lần thứ hai người phụ nữ trẻ đề cập đến mối quan hệ bền chặt của mình với bà ngoại. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với cô, vì trước đó cô cho biết bà là người đầu tiên cô tiết lộ việc cô được lựa chọn cho nhiệm vụ bay vào không gian.

Các tin khác